Cũng như vậy, con người chúng ta đã trải qua cả thời thanh xuân của quá trình tiến hóa trên
những đồng cỏ ấy, chúng ta chia sẻ những vấn đề thú săn mồi/ con mồi tương tự với linh
dương đầu bò. Bạn có thể tưởng tượng thấy ngay, có những khác biệt chủ yếu trong sinh nở và
nuôi dưỡng con non giữa linh dương đầu bò với con người. Phụ nữ mất nhiều thời gian hơn để
khôi phục sau kỳ sinh nở (lại là bởi bộ não rất to và quá nặng, thứ vũ khí bí mật của tiến hóa,
đã tự đẩy mình ra, thông qua một khe âm đạo nhỏ hẹp), và phải mất gần một năm, con non của
loài người mới đi lại được. Dù gì đi chăng nữa, những tiếng vọng tiến hóa ám chỉ rằng việc rèn
luyện sức khỏe rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta, kể cả trong thai kỳ. Các nhà nhân
chủng học cho rằng con người đi lại khoảng 19,2 km mỗi ngày.
Bà mẹ thon gọn phải rặn đẻ ít hơn
Thế có phải là thể dục nên trở thành một hoạt động thường xuyên trong thai kỳ của con người?
Khoa học đã chứng minh rằng ĐÚNG THẾ. Lợi ích đầu tiên rất thiết thực, liên quan trực tiếp
đến sinh nở. Rất nhiều thai phụ đồng tình rằng sinh nở vừa là trải nghiệm gây phấn chấn nhất,
nhưng cũng là đau đớn nhất đời mình. Nhưng những thai phụ luyện tập thường xuyên sẽ sinh
nở dễ dàng hơn những người thừa cân. Với những bà mẹ thon gọn, giai đoạn thứ hai trong khi
lâm bồn – phần đau đớn nhất, phải rặn đẻ rất nhiều – chỉ kéo dài 27 phút. Còn những bà mẹ
không được thon gọn về mặt hình thể phải rặn dẻ chừng 1 tiếng đồng hồ, lâu hơn tương đối.
Không có gì ngạc nhiên, các bà mẹ thon gọn cũng ít phải chịu đau đớn hơn.
Và, bởi giai đoạn rặn đẻ ngắn hơn rất nhiều, bé sơ sinh của các bà mẹ thon gọn cũng ít khả
năng gặp phải tình trạng tổn thương não bộ do thiếu oxy. Nếu bạn sợ chuyện sinh nở, bản thân
bạn rất nên thon gọn hết mức. Và các nguyên cớ đơn thuần đầy sức thuyết phục, xét về lịch sử
tiến hóa từ đồng cỏ Serengeti.
Luyện tập giúp “làm đệm” chống lại stress
Các bà mẹ thon gọn cũng có xu hướng sinh ra những em bé thông minh hơn các bà mẹ béo phì.
Có hai lý do giải thích cho điều này. Lý do thứ nhất liên quan đến những tác động trực tiếp từ
luyện tập lên quá trình phát triển não bộ của trẻ – đặc biệt là luyện tập aerobic. Quan điểm này
vẫn cần nghiên cứu thêm. Phần thuyết phục hơn ở đây chính là các dữ liệu liên hệ giữa bài tập
aerobic với việc giảm thiểu stress.
Một số loại hình tập luyện thực tế có thể làm đệm cho một thai phụ chống lại ảnh hưởng tiêu
cực của stress. Bạn có còn nhớ những glucocorticoid độc hại, những hóc môn xâm chiếm mô
thần kinh và gây ra tổn thương não bộ? Tập aerobic sẽ giúp gia tăng một loại phân tử trong
não bạn – loại có thể vô hiệu những tác động nguy hại của những glucocorticoid khó chịu này.
Loại phân tử oai hùng này được gọi là nhân tố dinh dưỡng thần kinh phái sinh từ não bộ
(BDNF – brain-derived neurotrophic factor). Nhiều BDNF hơn tức là bớt stress, đồng nghĩa
với ít glucocorticoid trong tử cung của mẹ, đồng nghĩa với quá trình phát triển não bộ tốt hơn
cho bé.
Nghe thì có vẻ lạ lùng, nhưng một bà mẹ thon gọn có cơ may lớn hơn nhiều để có được một
đứa con thông minh – hay chí ít, là có nhiều khả năng nhất để huy động được tối đa IQ của bé –
so với một bà mẹ kém phần thon gọn.
Hăm hở quá mức, bé cũng nôn nóng theo
Tuy vậy, như thường lệ, cũng có quy luật cân bằng ở đây. Một em bé có thể cảm nhận và phản
ứng lại với hoạt động của mẹ. Khi nhịp tim của mẹ tăng lên, nhịp tim của bé cũng vậy. Khi nhịp
thở của mẹ tăng lên, bé cũng vậy. Nhưng nó chỉ hiệu quả khi luyện tập vừa phải. Nếu luyện tập
quá sức, đặc biệt là trong các giai đoạn cuối thai kỳ, nhịp tim của bé bắt đầu suy giảm, nhịp thở
cũng vậy. Việc luyện tập hăm hở quá mức bắt đầu ngưng máu truyền tới tử cung, chặn nguồn
cung oxy của bé – tác động không tốt tới não bộ. Tử cung cũng có thể bị nóng quá mức. Việc
tăng thêm 20C làm tăng nguy cơ sẩy thai và có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển não và