QUAN HỆ VỢ CHỒNG
Quy luật trí não
Hôn nhân viên mãn, con trẻ hạnh phúc
Não bộ kiếm tìm sự an toàn trên tất thảy
Điều hiển nhiên chỉ hiển nhiên với bạn
QUAN HỆ VỢ CHỒNG
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác gần như hoàn toàn choáng ngợp khi hai vợ chồng đưa cậu con trai
đầu lòng từ bệnh viện về nhà. Lần đầu tiên chúng tôi đặt con vào ghế ngồi trên xe, thầm cầu
trời rằng hai vợ chồng đã cài dây an toàn đúng cách. Tôi lái xe từ viện về nhà với tốc độ sên bò.
Vợ tôi ngồi ở ghế sau để trông chừng con. Tính đến thời điểm ấy, mọi thứ thật tuyệt vời.
Khi cậu chàng bé nhỏ vào trong nhà, gương mặt nhỏ xíu của nó nhăn lại vẻ khó chịu. Nó bắt
đầu thét lên. Chúng tôi thay tã cho con, nó vẫn gào thét. Vợ tôi cho nó ăn. Nó ực ực một hai
ngụm gì đấy, rồi quay lại gào thét, giãy ra khỏi vòng tay của vợ tôi, cố chuồi người đi. Việc này
có xảy ra trong bệnh viện đâu. Hay chúng tôi làm gì sai chăng? Tôi ẵm cu cậu. Rồi đến vợ tôi
ẵm cu cậu. Cuối cùng, nó cũng im lặng. Rồi có vẻ cậu chàng bắt đầu ngủ. Chúng tôi nhẹ hết cả
người. “Vợ chồng mình làm được mà,” chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại với nhau như thế. Đêm đã
khuya rồi, và chúng tôi quyết định sẽ ngủ theo cu cậu. Nhưng hai vợ chồng chưa kịp ngả đầu
xuống gối, Joshua lại khóc ré lên. Vợ tôi bật dậy, cho nó ăn, rồi sang tay cho tôi. Tôi vỗ nhẹ cho
xuống sữa, đổi tay bế, rồi đặt thằng bé nằm rồi quay trở lại giường. Nằm còn chưa ấm chỗ,
tiếng khóc gào lại vang lên. Vợ tôi kiệt sức. Cô ấy còn đang trong giai đoạn hồi phục sau ca sinh
nở dài 21 tiếng đồng hồ, chẳng còn sức mà giúp một tay. Tôi trở dậy, ẵm con lên, rồi lại đặt
xuống giường cũi. Con im phắc. Thành công rồi! Tôi mò mẫm bò lại giường. Chưa chạm được
đến cái gối, tiếng khóc lại ré lên. Tôi vùi đầu xuống dưới chăn, hy vọng tiếng khóc sẽ ngưng.
Không hề. Tôi biết phải làm sao bây giờ?
Việc này cứ lặp lại hằng ngày. Tôi dành cho cậu quý tử những tình cảm sâu đậm – lúc nào cũng
thế – nhưng khi ấy, tôi cứ tự hỏi rằng điều gì đã khiến mình quyết định có một đứa con. Tôi
không ngờ một điều thật tuyệt vời lại có thể trở thành thứ gì đó thật gian nan. Tôi đã thấm thía
một bài học đầy khó khăn nhưng thiết yếu: Khi đứa trẻ có mặt trên thế gian, những phép tính
của đời sống thường nhật sẽ nhả ra những phương trình mới toanh. Tôi vốn khá môn toán,
nhưng món này thì tôi chẳng rành. Tôi không biết phải giải quyết những chuyện này thế nào.
Đối với hầu hết những người mới lần đầu làm cha làm mẹ, cú sốc đầu tiên chính là bản chất
không khoan nhượng của bản hợp đồng này. Con nhận. Cha mẹ cho. Hết. Điều khiến rất nhiều
cặp đôi phải ngỡ ngàng chính là những ảnh hưởng ghê gớm mà nó gây ra với cuộc sống của họ
– đặc biệt là cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Em bé khóc, em bé ngủ, em bé trớ, đòi bế ẵm,
thay tã lót, phải cho ăn, tất cả đều xảy ra trước 4 giờ sáng. Rồi bạn phải đi làm. Hoặc vợ/chồng
bạn phải đi làm. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác đến phát ngán. Chỉ một ước ao nhỏ nhoi có
được một tấc vuông im lặng, một giây ngắn ngủi dành cho mình mà cũng không được. Bạn
thậm chí còn không thể vào nhà vệ sinh lúc muốn. Bạn bị tước đoạt giấc ngủ, bạn đánh mất cả
bằng hữu, việc nhà thì chất ngất gấp ba lần, ân ái vợ chồng không còn tồn tại, và hai người còn
chẳng mấy khi đủ sức mà hỏi về một ngày của nhau.
Vậy thì có gì bất ngờ khi mối quan hệ vợ chồng bị tổn hại?
Đây vẫn là chuyện hiếm khi được bàn tới, nhưng thực sự là vấn đề: xích mích gia tăng rõ rệt
trong năm đầu tiên đón bé về nhà, và ngày càng tồi tệ hơn, tới mức, với một số cặp, có con thực