sự lại là nhân tố chính đe dọa hôn nhân.
Vì lẽ gì tôi lại nêu vấn đề này ra trong một cuốn sách nói về quá trình phát triển não bộ của trẻ?
Bởi nó thực sự nghiêm trọng đối với não bộ của trẻ. Trong chương Thời kỳ mang thai, chúng ta
đã biết được rằng em bé trong bụng mẹ mẫn cảm đến nhường nào với các tác động từ bên
ngoài. Khi bé rời khỏi chiếc lồng ấp thoải mái của mình, não bộ của bé còn trở nên mong manh
hơn thế. “Phơi” ra liên tục trước bầu không khí gây hấn căng thẳng có thể bào mòn IQ và năng
lực xử lý stress của bé, đôi khi đến mức trầm trọng. Trẻ sơ sinh nhất thiết cần được nuôi nấng
trong vòng tay của những người chăm sóc bình tĩnh và yêu thương. Bất cứ sự bất ổn nào bé
cảm nhận được cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển, hoàn thiện hệ thần kinh non nớt
của bé. Nếu muốn bé được trang bị não bộ hoàn thiện nhất có thể, bạn buộc phải biết rõ tất cả
những điều này trước khi rước “nguồn vui bất tận” của mình về nhà.
Khi tôi giảng về khoa học của những bộ não sơ sinh, các ông bố (chủ yếu là các ông bố) đều yêu
cầu được biết xem làm thế nào để con mình vào được trường Harvard. Câu hỏi lúc nào cũng
khiến tôi tức giận. Tôi gầm lên: “Anh muốn cho con mình vào được trường Harvard chứ gì? Tôi
sẽ nói anh hay dữ liệu nói thế nào! Là về nhà và thương lấy vợ anh!” Chương này xoay quanh
lời đáp ấy của tôi: Tại sao tình trạng thù nghịch hôn nhân xảy ra, tác động của nó tới não bộ
đang phát triển của bé, và các biện pháp đối phó với tình trạng căng thẳng ấy để giảm thiểu tác
động của nó?
PHẦN LỚN CÁC CUỘC HÔN NHÂN ĐỀU BỊ TỔN THƯƠNG
Hầu hết các cặp đôi đều không tưởng tượng ra nổi tình trạng hỗn loạn hôn nhân ấy khi mới có
bầu. Suy cho cùng, những đứa trẻ vốn được cho là sẽ mang tới niềm vui bất tận. Đó là quan
điểm mang tính lý tưởng mà rất nhiều người trong số chúng ta vẫn đinh ninh, đặc biệt là nếu
chúng ta sinh trưởng vào khoảng cuối thập niên 1950 – một kỷ nguyên chìm đắm trong quan
điểm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Các hài kịch truyền hình thường khắc họa những
ông bố lao động miệt mài; các bà mẹ ở nhà như những bảo mẫu tận tình; lũ trẻ thì ngoan ngoãn
đến ngỡ ngàng, và, khi có không vâng lời, thì cũng chỉ gây ra những rắc rối nho nhỏ và có thể xử
lý ngon ơ trong vòng 2 đến 3 phút. Vai chính phần lớn là tầng lớp trung lưu, và cuối cùng là, đa
phần sai lầm hết cả.
Nhà xã hội học danh tiếng E. E. LeMasters đã dội một gáo nước lạnh vào lối nhận thức kiểu
này. Vào năm 1957, LeMasters đã xuất bản một công trình nghiên cứu chứng minh rằng 83%
các cặp cha mẹ mới phải trải qua khủng hoảng từ mức vừa phải đến nghiêm trọng trong hôn
nhân khi chuyển đổi sang vai trò làm cha làm mẹ. Những bậc cha mẹ này càng lúc càng trở nên
cục cằn lỗ mãng với nhau trong năm đầu đời của em bé. Và đa số coi đây như quãng thời gian
đày ải đầy gian khổ.
Tuyên bố này chẳng khác gì một cú đòn choáng váng. Chẳng ai nghĩ đứa con sẽ gây ra xung đột
vợ chồng. Ai cũng đinh ninh, sẽ chỉ có niềm vui sướng hân hoan. Quả vậy, trước khi nghiên cứu
này được công bố, rất nhiều người vẫn ảo tưởng rằng sinh con đẻ cái là một trải nghiệm tích
cực với sức mạnh phi phàm đến mức có thể cứu vãn cả hôn nhân – trong khi các dữ kiện của
LeMasters lại chứng minh điều ngược lại. Với công bố này, ông đã bị dư luận chỉ trích kịch liệt.
Một số nhà nghiên cứu còn nghi ngờ ông đã giả mạo số liệu.
Nhưng sự thực vẫn là sự thực. Năm tháng trôi qua, những phương pháp luận nghiêm cẩn hơn
(với những quan sát lặp đi lặp lại trong nhiều năm liền) đã chứng minh rằng LeMasters đã
đúng. Đến cuối thập niên 1980, 1990, các cuộc điều tra tại 10 nước công nghiệp phát triển,
trong đó có cả Hoa Kỳ, đã cho thấy mức độ hài lòng với hôn nhân ở cả nam giới và nữ giới đều
giảm sút sau khi có đứa con đầu lòng – và tiếp tục suy giảm trong vòng 15 năm kế tiếp. Tình
trạng này chỉ được cải thiện khi lũ trẻ rời khỏi vòng tay gia đình.
Giờ thì chúng ta đã biết tình trạng xói mòn âm ỉ này là một trải nghiệm phổ biến của đời sống
hôn nhân, khởi đầu vào thời điểm chuyển đổi lên vai trò bố mẹ. Chất lượng hôn nhân – vốn đạt