bé được nuôi dạy. Đó là sự mẫn cảm có nguồn gốc tiến hóa mạnh mẽ.
Những manh mối này khởi nguồn từ phòng thí nghiệm của Harry Harlow, người quan sát hành
vi của khỉ con tại trường Đại học Wisconsin-Madison. Những phát hiện của ông có thể áp dụng
lên bé sơ sinh là minh chứng cho thấy những cội rễ tiến hóa này ăn sâu tới mức nào.
Những thực nghiệm kinh điển của Harlow xoay quanh hai “trinh nữ sắt” – những khối cấu trúc
hình dạng búp bê, đóng vai trò như hai bà mẹ thế thân. Một khối được làm từ dây cứng, khối
kia được làm từ khăn lông mềm. Harlow tách những con khỉ nâu mới sinh ra khỏi các bà mẹ
khỉ ruột thịt, đặt chúng vào các lồng có cả hai con búp bê kia. Cả hai con búp bê đều cung cấp
thức ăn thông qua một chiếc bình gắn trên thân. Nhưng dù lũ khỉ tìm đến cả hai bà mẹ để tìm
thức ăn, chúng vẫn dành nhiều thời gian hơn để leo trèo và bám ríu lấy bà mẹ mềm mại hơn là
bà mẹ dây thép lạnh lẽo. Nếu đám khỉ con được đặt vào một căn phòng xa lạ, chúng sẽ bám
chặt lấy bà mẹ khăn lông cho đến khi cảm thấy đủ an toàn để tự mình khám phá chiếc lồng
mới. Nếu bị đưa vào cũng căn phòng đó, nhưng không có bà mẹ bằng vải, đám thú nhỏ sợ đến
cứng đờ, rồi gào thét thảm thiết, chạy từ vật này sang vật khác, cố kiếm tìm bà mẹ thất lạc.
Kết quả vẫn luôn là như thế, bất kể thực nghiệm được thực hiện bao nhiêu lần, hay theo dạng
nào. Không giống như những gì xưa nay chúng ta vẫn tin tưởng, với các sinh vật bé bỏng này
đồ ăn thức uống không phải là tín hiệu làm an lòng, thay vào đó, chúng tìm một bến đỗ an toàn.
Các em bé cũng kiếm tìm một thứ tương tự.
Nhìn như khỉ, hành xử như khỉ
Các bé sơ sinh cũng có nhận thức tương tự về sự an toàn, mặc dù bề ngoài có vẻ không như
vậy. Thoạt nhìn, các em bé dường như chỉ bận tâm đến những quy trình sinh học, ví như ăn, ị
hay trớ ra đầy áo bạn. Điều này đã đánh lừa rất nhiều nhà khoa học khiến họ tin rằng các em bé
không hề suy nghĩ về điều gì hết. Các nhà khoa học định ra khái niệm tấm bảng trắng – để miêu
tả những sinh vật “trống trơn” này.
Các nghiên cứu hiện đại lại hé lộ một quan điểm trái ngược hoàn toàn. Giờ đây chúng ta biết
được rằng mối bận tâm sinh học lớn nhất của một em bé được quyết định bởi não bộ, cơ quan
nằm phía trên cổ của các em. Trẻ sơ sinh từ lúc chào đời đã cài đặt sẵn các phần mềm học
hành, nhận biết trong các ổ cứng thần kinh. Bạn muốn vài ví dụ giật mình chứ?
Vào năm 1979, nhà tâm lý học Đại học Washington – Andy Meltzoff đã thè lưỡi ra trước một bé
sơ sinh mới chào đời 42 phút, sau đó ngồi xuống để xem chuyện gì xảy ra. Sau một vài nỗ lực,
em bé đáp trả, khẽ le lưỡi mình ra. Meltzoff lại thè lưỡi ra. Em bé cũng phản ứng tương tự.
Meltzoff phát hiện ra rằng các em bé có thể bắt chước ngay từ khi mới chào đời (hay, chí ít là,
sau 42 phút chào đời). Đó là một phát hiện phi thường. Việc bắt chước đòi hỏi rất nhiều nhận
biết tinh vi đối với các bé sơ sinh, từ chỗ phát hiện ra rằng có tồn tại cả những con người khác
trên thế giới này cho đến việc nhận biết rằng họ cũng có các phần cơ thể đang hoạt động, hệt
như bé vậy. Như thế đâu phải là “tấm bảng trắng”. Đó chính là một tấm bảng nhận thức vận
hành một cách đầy đủ và đáng kinh ngạc.
Nương theo phát hiện này, Meltzoff đã tiến hành một loạt thí nghiệm để khám phá xem trẻ
được “lập trình sẵn” cho việc học tập đến mức nào, và nhạy cảm tới mức nào với những tác
động bên ngoài trong quá trình theo đuổi mục tiêu ấy. Meltzoff dựng lên một chiếc hộp gỗ, phủ
ngoài bằng một tấm nhựa màu vàng cam, bên trong lắp một bóng đèn. Khi ông chạm vào tấm
nhựa, đèn bật sáng.
Meltzoff đặt chiếc hộp ở giữa ông và một bé gái vừa thôi nôi, sau đó trình diễn một tiết mục
bất ngờ. Ông tiến tới và chạm trán mình vào phần trên chiếc hộp, làm cả khối hộp sáng bừng.
Em bé không được động vào hộp. Thay vào đó, em và mẹ được yêu cầu rời khỏi phòng. Một
tuần sau đó, em bé và mẹ quay trở lại phòng thí nghiệm, Meltzoff tiếp tục đặt chiếc hộp giữa