3) Sau trận “bắn phá” các tình huống đó, đứa trẻ mới bắt đầu cảm
nhận được “Cái tôi”. Nó bắt đầu ý thức cái nhân cách của riêng nó. Nó nhận
thấy sự việc đến với “Chính nó” chớ không phải với ai khác. Đến lúc đó, nó
mới bắt đầu xưng “Tôi”. Bé André sẽ không còn nói “André làm cái này, cái
này dành cho André” – nhưng sẽ nói “tôi làm cái này, cái này là của tôi”.
“Cái Tôi” đã xuất hiện. Nó là một phần của “cái ấy” được các hoàn
cảnh bên ngoài biến đổi. Nếu chúng ta xem “cái ấy” như một thứ bột đang
lên men, “Cái Tôi” sẽ là chỗ nhô lên của mớ bột kia. Vì vậy, “Cái Tôi” luôn
có mối quan hệ rất chặt chế với các bản năng thầm kín của chúng ta.
Như thế, một phần rất lớn của “Cái Tôi” vẫn còn chìm trong tiềm
thức và đòi hỏi phải có những hoàn cảnh đặc biệt để cho nó trồi lên bề mặt
của ý thức.
SỰ KIỂM DUYỆT
Mỗi người đều biết có nhiều xung năng có ý thức của chúng ta rất
xấu xa, thô thiển và chướng tai. Chỉ cần chúng ta nghĩ đến bản năng hung
dữ, sự thù ghét tất cả những gì đi ngược lại ý muốn của chúng ta, đến những
xung năng tình dục mãnh liệt và thú tính, xung năng tàn bạo, đến việc trả
thù, chiếm đoạt v v (mà chúng đều nằm trong “cái ấy”)
Về mặt xã hội, điều cần thiết là phải ngăn chặn cuộc sống hỗn độn
đang chen chúc trong tiềm thức của chúng ta. Và tôi cũng cần nhắc lại là
cuộc sống hỗn độn đó không có liên quan gì với đạo đức hay trái với đạo
đức cả. Một con sói ăn thịt một con cừu không hề tàn nhẫn và không đạo
đức. “Tàn nhẫn” là cách giải nghĩa nhạy cảm và đạo đức mà chúng ta gán
cho một hành vi. Nhưng con sói chỉ làm bổn phận sói của nó mà thôi chấm
hết. Nó nằm ngoài các suy tưởng tâm lý hoặc đạo đức chỉ vì nó không hề
biết đến chúng. Là điều hiển nhiên thôi.
“Cái ấy” cũng hành xử như thế: nó thực hiện một hành vi, không hề
bận tâm đến những thứ khác! Nhưng con người được dành cho một cuộc
sống xã hội. Như thế, phần lớn những xung năng xuất phát từ tiềm thức phải
bị chặn lại, hoặc hướng đến những hành vi tốt và có thể được chấp thuận