người bị chết. Ngay cả ông ta cũng hoảng sợ. Ông nói với đức tổng giám
mục Filaret: “Không được, phải bít cái của khỉ ấy lại kẻo nó cứ cám dỗ!”
Thế là người ta bít lại…
Tôi nói với Barinov rằng tất cả những chuyện đó đều nhảm nhí, anh ta
tức giận:
– Trời ơi! Anh này mới khó tính chứ! Câu chuyện này là do một người
thông thái kể tỉ mỉ cho tôi nghe, thế mà anh…
Barinov cũng đã từng tới Kiev “lễ thánh”, anh kể:
– Thành phố ấy cũng nằm trên đồi núi như làng ta, cũng có một con
sông, nhưng tôi quên mất tên rồi. So với sông Volga thì con sông đó chỉ
giống như một cái ao nhỏ! Nói thẳng ra, thành phố ấy rất hỗn loạn. Tất cả
các đường phố đều quanh co và dôc. Dân ở đấy toàn là người Khokhol,
nhưng không như Mikhailo Antonovich, mà là nửa Ba Lan, nửa Tatar. Họ
chỉ nói lúng búng, không nói to. Người nào đầu tóc cũng rối bù, bẩn thỉu.
Họ ăn nhái, mỗi con nhái ở đó nặng khoảng mười funt. Họ cưỡi bò và thậm
chí dùng bò để cày. Bò của họ thật là tuyệt, con bé nhất cũng to gấp bốn lần
bò của chúng ta. Mỗi con nặng tám mươi ba pood. Ở đấy, có năm mươi bảy
ngàn tu sĩ và hai trăm bảy mươi ba giáo chủ… Ồ, anh này rõ lạ chửa! Anh
làm sao tranh cãi nổi với tôi? Tất cả cái đó chính mắt tôi đã trông thấy, còn
anh, anh đã đến đấy chưa? Chưa đến. Đó! Ông anh thấy đấy, tôi ưa nhất là
những điều chính xác…
Barlnov thích dùng con số, tôi dạy cho anh biết tính cộng và tính nhân,
nhưng anh lại không chịu học tính chia. Anh say mê nhân những con số lớn
và thường hay bị nhầm lẫn. Anh lấy gậy viết lên cát một dãy số dài rồi nhìn
những con số đó bằng cặp mắt tròn xoe ngây thơ đầy kinh ngạc. Anh thốt
lên:
– Con số này không ai có thể đọc nổi!
Anh là người luộm thuộm, đầu tóc rối bù, quần áo rách rưới, khuôn mặt
anh có thể nói là đẹp, anh có bộ râu cằm loăn xoăn nom vui nhộn, cặp mắt
xanh luôn nheo cười với nụ cười ngây thơ. Ở anh và Kukushkln hình như
có điểm gì giống nhau, và có lẽ vì vậy mà họ xa lánh nhau.