Lúc ấy, cái người to lớn, mặc chiếc áo tulup rách rưới, đội chiếc mũ lông
cừu xù xù đang bước đi ở bên cánh tay lái kia cũng sẽ dừng lại, đứng im
tựa như trúng bùa mê vĩnh viễn và sẽ không còn gầm lên những tiếng quái
dị:
– Orr..oop! Oo..oorr!
Tôi hỏi gã:
– Anh tên là gì?
– Mày cần biết để làm gì? ‒ Gã đáp, giọng khàn khàn.
Lúc hoàng hôn, khi sà lan rời khỏi Kazan, tôi nhận thấy con người với
điệu bộ vụng về như con gấu này có bộ mặt đầy lông lá và chột một mắt.
Gã đứng tựa vào tay lái, dốc một chai rượu vodka vào chiếc gáo gỗ rồi
uống hai hơi cạn hết chỗ rượu như ta uống nước vậy, sau đó gã cắn một quả
táo. Khi chiếc tàu kéo giật mạnh chiếc sà lan, gã vội nắm chặt lấy tay lái,
nhìn lên vầng mặt trời đỏ rực, lắc đầu và nghiêm nghị nói:
– Lạy Chúa phù hộ cho!
Chiếc tàu thủy đi từ hội chợ Nizhny tới Astrakhan, kéo theo bốn chiếc sà
lan chở đầy sắt tấm, những thùng đường và những cái hòm rất nặng, tất cả
đều là hàng cung cấp cho Ba Tư. Barinov lấy chân đá đá vào những cái
hòm, hít hít rồi suy nghĩ và nói:
– Chắc chắn là súng ống của nhà máy Izhevsk…
Gã lái sà lan liền thụi cho anh một quả vào bụng và hỏi:
– Việc gì đến mày nào?
– Tôi nghĩ bụng thế thôi…
– Hừ, mày có muốn ăn một quả đấm vào mặt không?
Chúng tôi không có tiền để mua vé đi tàu khách.
Nhờ “lòng nhân đức”, chúng tôi được đi nhờ trên một chiếc sà lan. Tuy
chúng tôi cũng phải “luân phiên gác” như các thủy thủ nhưng những người
trên sà lan vẫn xem chúng tôi chẳng khác gì một lũ ăn mày.