– Anh người ở đâu?
– Vologda.
Rồi những lời nặng nề, thô lỗ nối đuôi nhau tuôn ra như những củ khoai
lọt khỏi cái bao rách:
– Cái thằng đi cùng với mày là ai đấy, chú bác à? Theo tao nó là một
thằng ngốc. Tao có một ông chú rất thông minh. Ông ấy ngang tàng lắm…
Lại giàu có. Chủ bến tàu ở Simbirsk. Mở quán ăn ở bờ sông.
Gã nói ra tất cả những lời đó chậm rãi và hình như khó nhọc lắm. Sau đó
gã hướng cặp mắt mờ đục về phía ngọn đèn treo trên cột buồm và ngắm
nghía xem ngọn đèn giống như con nhện vàng ấy bò trong màn đêm như
thế nào.
– Nắm lấy, kìa… Mày biết đọc biết viết phải không? Mày có biết ai viết
ra pháp luật không?
Không đợi tôi trả lời, gã tiếp tục:
– Người ta nói linh tinh lắm: Có người bảo là Nga hoàng, có người nói
là tổng giám mục, có người nói là Viện Nguyên lão (Cơ quan tư pháp và
hành chính cao nhất cùa nước Nga cũ). Tao mà biết chắc là ai viết, tao sẽ đi
đến chỗ hắn ta và bảo: Ngài hãy viết pháp luật làm sao để tôi không những
không thể đánh người, mà còn không thể giơ nổi tay lên đánh nữa! Pháp
luật phải như sắt mới được. Như chiếc chìa khóa ấy. Cứ khóa trái tim tôi
lại, và thế là hết! Lúc đó tôi sẽ xin đảm bảo! Còn bây giờ thì tôi không thể
đảm bảo được. Không thể!
Gã lẩm bẩm một mình, giọng mỗi lúc một khẽ và rời rạc hơn, trong lúc
đó tay gã khẽ đấm xuống cán gỗ của tay lái.
Có người từ trên tàu thủy gọi loa xuống, và cái giọng khàn khàn của gã
lái đâm ra thừa, giống như tiếng chó sủa đã bị đêm tối dày đặc hút mất. Hai
bên thành tàu, những ánh lửa như bị nhấn chìm bởi dòng nước đen ngòm,
chiếu sáng cảnh vật một cách yếu ớt. Những đám mây đen kịt sũng nước
trôi trên đầu chúng tôi. Chúng tôi càng ngày càng trượt sâu vào trong lòng
bóng tối câm lặng.