– À, cao thượng là người không ghen ghét ai, chỉ có một đức tính là hiếu
kì…
Điều đó không đúng với tôi. Tôi hay ghen ghét và ghen ghét nhiều cái.
Ngay cả tài nói chuyện của Bashkin cũng kích thích lòng ghen ghét của tôi.
Gã có tài nói giọng đặc biệt, giống như người ngâm thơ và hay dùng những
cách so sánh, những lối nói bất ngờ. Tôi còn nhớ rõ đoạn đầu một câu
chuyện tình của gã như sau:
“Một đêm trời ảm đạm, tớ ngồi trong một gian buồng tại thành phố
Sviyazhsk nghèo nàn, như con cú vọ trong hốc cây. Dạo ấy vào mùa thu,
khoảng tháng Mười, ngoài trời mưa lất phất, gió thổi rít lên giống như một
gã Tatar đang lúc bực mình cất tiếng hát ngân nga, tiếng hát kéo dài không
dứt: O.o.o.u.u.u…
… Thế rồi nàng đến, nhẹ nhàng, hồng hào, như một áng mây lúc mặt trời
vừa mọc và trong đôi mắt nàng lộ vẻ trong sạch giả dối của tâm hồn. “Anh
yêu.” Nàng nói, giọng thành thật. “Em có làm gì không phải với anh đâu!”
Tớ biết là nàng nói dối, nhưng tớ lại tin là thật! Lí trí thì biết chắc chắn
thế, nhưng tình cảm thì không thể nào không tin được! ”
Gã vừa kể vừa lắc lư người một cách nhịp nhàng, mắt lim dim, tay nhẹ
nhàng xoa xoa ngực, chỗ trái tim.
Giọng gã trầm trầm, nhưng lời nói vẫn lanh lảnh, dường như trong đó có
tiếng hót của chim họa mi.
Tôi ghen cả với Chusov, con người ấy nói về Siberia, Khiva và Bukhara
thật hay tuyệt, còn nói về cuộc sống của bọn đại giáo chủ thì hài hước và
rất cay độc. Một hôm, với vẻ bí mật, lão nói về Aleksandr đệ tam:
– Tên vua ấy đúng là một tên vua nhà nghề!
Tôi có cảm tưởng như Chusov là một “tên độc ác” trong một thiên tiểu
thuyết mà người đọc không ngờ về cuối, tên ấy lại hóa thành nhân vật rộng
lượng.
Thỉnh thoảng, vào những đêm oi ả, những con người này vượt sông
Kazanka, mò về phía cánh đồng cỏ, chui vào các bụi cây, cùng nhau đánh