Mariya ‒ cái tên đó thật không hợp với cô gái, đối với cô nó có phần hơi
thô thiển.
Tôi cũng đi ra, lòng xao xuyến lạ kì. Sau đó một hôm, buổi tối, tôi lại
ngồi trong căn phòng ấy. Tôi muốn tìm hiểu xem người ta sống như thế nào
trong căn phòng này? Họ sống thật là kì lạ.
Ông già Stepan Ivanovich đáng mến, dịu dàng, râu tóc bạc phơ, người
trắng bệch, thường ngồi ở góc nhà nhìn ra, cặp môi thâm động đậy, miệng
khẽ mỉm cười như muốn yêu cầu:
– Đừng động chạm đến tôi!
Trong con người ông già có cái vẻ sợ hãi của loài thỏ và linh cảm lo âu
về những điều bất hạnh. Điều đó tôi thấy rất rõ.
Andrej bị liệt một tay, thường mặc chiếc áo màu xám có dính dầu và bột
ở ngực cứng như vỏ cây, đi lại trong phòng, người nghiêng nghiêng, miệng
cười ngượng nghịu như đứa trẻ vừa được tha thứ sau một trò nghịch ngợm.
Aleksej, một thanh niên lười biếng, cục cằn, giúp anh bán hàng. Đứa em
trai thứ ba là Ivan học ở trường Sư phạm, nó ở kí túc xá và chỉ về nhà vào
những ngày lễ. Đó là một thiếu niên bé nhỏ, ăn mặc sạch sẽ, đầu chải bóng
mượt giống như một viên chức già. Cô Mariya đau ốm ở đâu đó trên gác
thượng, ít khi xuống dưới nhà, và cứ mỗi khi cô ta xuống thì tôi lại cảm
thấy lúng túng, hệt như tôi bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình vậy.
Công việc nội trợ trong gia đình Derenkov do một mụ cùng ở chung với
lão chủ nhà bị hoạn đảm nhiệm. Đó là một người đàn bà cao gầy, có bộ mặt
như một con búp bê bằng gỗ với cặp mắt nghiêm nghị của một nữ tu sĩ độc
ác. Cô Nastya mũi nhọn, tóc hung, con gái mụ cũng ở đây. Mỗi khi cô
ngước cặp mắt xanh nhìn đàn ông, hai cánh mũi của cô lại rung rung.
Nhưng những người chủ thực sự trong căn nhà Derenkov lại là các sinh
viên của trường đại học, của Đại chủng viện và Viện Thú y. Họ thường tụ
tập tại đây trong những cuộc hội họp ồn ào. Đó là những người biết quan
tâm đến nhân dân Nga, luôn luôn lo lắng cho tương lai của nước Nga.
Thường xuyên bị kích động bởi những bài báo, những kết luận của các
cuốn sách vừa đọc xong, những sự kiện trong sinh hoạt của thành phố và