sinh viên là những người yêu nhân dân, mong muốn những điều tốt cho
dân.
– Đó là những sinh viên đại học ở phố Voskresenskaya, còn đây là tôi
nói về các sinh viên Đại chủng viện ở Arskoye Polye! Bọn sinh viên ấy đứa
nào cũng mồ côi cả, mà trẻ mồ côi thì lớn lên nhất định phải ăn cắp hoặc
lêu lổng, phải thành người xấu, vì bọn mồ côi ấy, chúng có bị ràng buộc
vào cái gì đâul
Những câu chuyện kể bằng giọng điềm tĩnh của mụ “quản gia” cùng
những lời than phiền độc ác của bọn con gái về các anh em sinh viên, về
các viên chức và nói chung về những “giới thanh cao” đã gây nên trong bạn
bè tôi không chỉ lòng thù địch mà cả một tình cảm gần như vui thích; nó
biểu hiện bằng những lời:
– Vậy ra những người có học lại tồi hơn chúng ta!
Tôi đau khổ và cay đắng khi phải nghe những lời đó. Tôi nhận thấy rằng
tất cả nước bẩn của thành phố đều dồn vào những căn phòng chật hẹp,
tranh tối tranh sáng này, hệt như dồn vào những cái hố trũng. Nó được đun
sôi trên một ngọn lửa đầy khói và đầy sự thù hằn, độc ác, rồi lại chảy ngược
về thành phố. Trong những xó xỉnh này, nơi bản năng và sự chán chường
cuộc sống đã đẩy người ta vào, tôi biết được những tiếng vô nghĩa trở thành
các bài hát cảm động về nỗi lo âu và đau khổ của tình yêu, những chuyện
bịa đặt quái gở về cuộc sống của “người có học” cùng thái độ giễu cợt và
thù ghét đối với những điều người ta không hiểu đã nảy sinh ra sao. Và tôi
nhận thấy rằng các “nhà giải muộn phiền” là những trường đại học mà từ
đó các bạn của tôi học được những kiến thức hết sức độc địa.
Tôi đã từng xem những cô gái làng chơi đi đi lại lại trên mặt sàn bẩn
thỉu, uể oải kéo lê hai chân. Những tấm thân nhẽo của họ nhún nhảy một
cách kinh tởm theo tiếng rít dai dẳng của cây đàn phong cầm hoặc theo
tiếng kêu giòn kích động của dây đàn dương cầm. Nhìn họ, tôi nảy ra
những ý nghĩ không rõ ràng nhưng đầy lo lắng. Tất cả những cảnh tượng
xung quanh tôi tạo nên một nỗi buồn chán, nó đầu độc tâm hồn tôi bằng ý
muốn bất lực chạy trốn đến một nơi nào đấy.