– “Tiến bộ” ‒ đó chẳng qua chỉ là chuyện loài người bịa ra đế tự an ủi
mà thôi! Cuộc sống vô nghĩa lí, mất hết ý nghĩa. Không có chế độ nô lệ thì
không có tiến bộ, không có đa số chinh phục thiểu số thì loài người sẽ dừng
lại trên đường đua của mình. Muốn cải thiện cuộc sống, muốn giảm nhẹ lao
động, nhưng kết quả là chúng ta làm cho cuộc sống thêm phức tạp, lao
động thêm nặng nhọc. Dùng công xưởng và máy móc để chế tạo thêm máy
móc, điều đó thật là ngu xuẩn! Công nhân mỗi ngày một đông, trong khi đó
thì chỉ cần nông dân sản xuất ra lúa mì là đủ. Lúa mì ‒ đó là tất cả những gì
cần giành lấy ở thiên nhiên bằng lao động. Nhu cầu của con người càng ít
bao nhiêu thì người ta càng hạnh phúc bấy nhiêu, càng nhiều ước vọng bao
nhiêu thì càng ít tự do bấy nhiêu.
Có thể những lời đó không hoàn toàn như vậy, nhưng quả thực ý nghĩ
khiến người ta phải choáng váng ấy tôi mới được nghe lần đầu, nhất là lại
rõ nét, trần trụi nhường ấy. Sau một hồi la thét vì xúc động, ánh mắt ông rụt
rè dừng lại trên cánh cửa thông vào các phòng bên trong. Ông nghe ngóng
động tĩnh một phút rồi thì thầm với một vẻ gần như giận dữ:
– Anh nên biết, điều mỗi người cần không nhiều lắm đâu: một mẩu bánh
mì và một người đàn bà…
Sau khi nói về đàn bà bằng giọng thì thầm có vẻ bí mật, bằng những từ
ngữ tôi chưa từng biết và những câu thơ tôi chưa từng đọc, ông ta bỗng
giống như gã ăn cắp Bashkin.
– Beatrice, Fiammetta, Baura, Ninon
. ‒ Ông thì thầm nhắc đến những
cái tên không quen thuộc đối với tôi và kể chuyện những ông vua, những
thi sĩ si tình. Ông đọc thơ Pháp, vừa đọc vừa giơ cánh tay khẳng khiu để
trần đến tận khuỷu đánh nhịp theo. ‒ Ái tình và đói rét đang thống trị thế
giới.
Tôi nghe thấy giọng thì thầm sôi nổi và sực nhớ ra rằng câu này đã được
in bên dưới nhan đề một cuốn sách nhỏ mang tính cách mạng: Ông vua đói.
Điều đó khiến tôi càng cảm thấy lời nói của ông có ý nghĩa trọng đại.
– Người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có đi tìm kiến thức!