Tôi sẽ không từ chối giúp anh,
Hãy dẫn Đại Hồng Thủy đến nhanh,
Tôi sẽ vui lòng phóng thủy lôi!
Cửa hiệu của Derenkov đem lại khoản thu nhập không đáng kể, nhưng
số người và số “việc” cần đến sự giúp đỡ vật chất thì cứ mỗi ngày một tăng.
“Cần phải nghĩ ra cách gì mới được.” Chắc Andrej sẽ nói vậy, tay mân
mê bộ râu vẻ lo lắng, cũng có thể anh sẽ nở nụ cười cười hối lỗi hoặc khẽ
thở dài.
Tôi có cảm tưởng rằng con người đó tự coi mình như một kẻ bị kết án
khổ sai vô thời hạn, buộc phải giúp đỡ mọi người, và tuy đã thuận theo
hình phạt ấy, đôi lúc nó vẫn làm cho anh ta đau khổ.
Nhiều lần, bằng những lời lẽ khác nhau, tôi hỏi:
‘Tại sao anh lại đi làm cái việc ấy?
Hình như anh không hiểu câu hỏi của tôi, nên thường trả lời chệch sang
câu hỏi “Để làm gì?” Anh nói một cách sách vở và khó hiểu về cuộc sống
nặng nề của nhân dân, về sự cần thiết của giáo dục, của kiến thức.
– Thế người ta có thích kiến thức và có tìm đến kiến thức không?
– Ồ, hẳn là có. Tất nhiên! Ngay cả anh cũng thích, phải không?
– Đúng, tôi thích. Nhưng tôi còn nhớ những lời của ông giáo dạy Sử:
“Người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có phải đi tìm kiến thức.”
Đối với những thanh niên tuổi mười bảy, tiếp xúc với những tư tưởng sâu
sắc như vậy chỉ có hại. Các ý tưởng họ cùn dần qua những cuộc tiếp xúc ấy,
và bản thân họ thì cũng chẳng thu nhận thêm được gì.
Tôi bắt đầu nghĩ rằng lúc nào tôi cũng chỉ thấy có mỗi một cảnh tượng:
Người ta thích những câu chuyện hay chỉ vì những câu chuyện đó cho phép
người ta quên đi cái cuộc sống nặng nề nhưng quen thuộc trong khoảng
một tiếng đồng hồ. Chuyện càng “khoác” nhiều bao nhiêu thì người ta càng
say mê lắng nghe nó bấy nhiêu. Cuốn sách hay nhất là cuốn sách mà trong
đó có nhiều chuyện được bịa khéo léo. Nói tóm lại, tôi như kẻ đang mò
mẫm trong một đám sương mù dày đặc.