anh luôn diễn ra cuộc xung đột gay gắt giữa ước mơ viển vông và hiện thực
khủng khiếp.
Cuối cùng, thay cho việc vào học tại trường đại học, để khỏi chết đói,
Peskov đành làm phu thợ trên các bến tàu Volga. Tại đây, sống giữa những
công nhân khuân vác, những kẻ giang hồ và kẻ cắp, anh cảm thấy mình “là
một thỏi sắt được vùi vào đống than đỏ rực”. Những “vị giáo sư” đầu tiên
của anh trong “trường đại học” muôn hình muôn vẻ: Bashkin ‒ kẻ cắp
chuyên nghiệp chuyên bịa ra những bài hát “tàn nhẫn”; Chusov ‒ một tay
thợ chuyên làm những việc ám muội như tiêu thụ đồ ăn cắp. Nhiều chàng
trai đã ngả theo con đường của “những người thầy” như vậy. Nhưng
Peskov đã đứng vững.
Cuộc gặp gỡ với nhà cách mạng Guri Pletnyov đã giúp Peskov có ít
nhiều cơ sở vững chắc hơn trong nhận thức. Anh bắt đầu tham gia hoạt
động trong một nhóm cách mạng bí mật. Nhưng về sau nhóm này lại biểu
lộ sự suy đồi về chính trị của giới trí thức.
Sự kiện quan trọng hơn cả trong thời kì Peskov sống ở Kazan là việc anh
tham gia vào nhóm dân túy tụ tập tại cửa hiệu của Derenkov. Ở đây, sau khi
tiếp xúc với những sinh viên có đầu óc cách mạng, tư tưởng của Peskov
thay đổi nhiều. Nhờ hiểu biết thực tế phong phú, quan niệm của Peskov về
nhân dân trái ngược với quan niệm của những người dân túy. Tuy vậy, lòng
tin của những người dân túy vào phẩm chất của nhân dân mà họ “tạo ra”,
lòng yêu mến của họ đối vói nhân dân đã cổ vũ chàng thanh niên, tiếp thêm
sức mạnh cho anh.
Peskov bắt đầu thấy rõ hoạt động của giới trí thức tách rời nhân dân sẽ
không đưa lại kết quả gì. Lời nói của nhà Marxist Fedoseev đã làm cho
Peskov vững tin vào lí tưởng của mình.
Trong những ngày khó khăn đi tìm chân lí ấy, trong lúc nghi ngờ sự đúng
đắn của giới trí thức thuộc phái dân tuý, Peskov cũng đã làm quen với
“những nhà lí luận” khác của cuộc sống. Tuy họ đối địch hẳn với anh,
nhưng những cuộc gặp gỡ ấy đối với anh không phải là vô ích. Anh đụng
phải thái độ thụ động của những người thợ làm bánh mì, họ “chịu đựng một