Tôi hiểu rằng có tôi làm phụ việc trưởng thì bác ta có lợi. Bác không
thích làm việc, còn tôi thì làm việc một cách tự nguyện. Sự mệt nhọc có lợi
đối với tôi, nó dập tắt những nỗi lo lắng của tâm hồn, kiềm chế những đòi
hỏi dai đẳng của bản năng. Nhưng nó lại không cho phép tôi đọc sách.
– Chú quẳng sách đi như thế rất tốt. Để chuột nó gặm đi cho rồi! ‒ Bác
thợ nói. ‒ Mà chẳng lẽ chú không bao giờ nằm mê thấy gì à? Có lẽ có thấy,
nhưng chú giấu đấy thôi! Thật là buồn cười. Kể chuyện ngủ mê là việc vô
thưởng vô phạt nhất, chẳng có gì đáng lo ngại cả…
Bác thợ bánh cư xử với tôi rất thân mật, thậm chí có vẻ như kính trọng
nữa. Hay bác sợ tôi là tay chân của chủ? Dù sao điều đó cũng không ngăn
trở bác ăn cắp hàng một cách thường xuyên.
Bà tôi qua đời. Tôi biết tin bà mất bảy tuần sau ngày chôn cất, qua bức
thư của một đứa em họ. Bức thư ngắn, không có một dấu phẩy nào, thông
báo rằng trong lúc đi ăn xin ở bậc thềm nhà thờ bà tôi bị ngã gãy chân. Đến
ngày thứ tám thì mắc chứng hoại thư. Về sau tôi được biết rằng hai thằng
và một con em họ tôi ‒ tất thảy đều trẻ và khỏe mạnh ‒ cùng với con cái
của chúng đã sống ăn bám bà lão già bằng của bố thí mà bà đi xin được.
Chúng cũng không biết đi mời thầy thuốc nữa.
Bức thư viết:
“Người ta chôn bà ở nghĩa địa Petropavlovsk chỗ đã chôn mọi người
thuộc nhà ta chúng em cùng những người hành khất đi đưa đám họ thương
bà và họ khóc. Ông cũng khóc ông đuổi chúng em về còn ông thì ở lại bên
cạnh mộ chúng em nấp trong bụi cây nhìn ông khóc ông bảo ông cũng sắp
chết thôi.”
Tôi không khóc, nhưng tôi nhớ rằng lúc đó bỗng một luồng băng giá
choán lấy tôi. Đêm hôm ấy, ngồi trên đống củi ở ngoài sân, tôi rất muốn kể
cho ai đó về bà tôi, nói với người ấy rằng bà tôi là một người tốt bụng và
khôn ngoan như thế nào, bà là một người mẹ của tất cả mọi người. Tôi đã
mang trong lòng cái nguyện vọng đau khổ đó rất lâu nhưng không biết kể
với ai, và thế là những điều ấy không được nói ra, cứ dần dần tàn lụi.