Nhiều năm sau, tôi nhớ lại những ngày này khi đọc một truyện ngắn rất
chân thật của A. E Chekhov kể về một bác đánh xe ngựa nói chuyện với
con ngựa về cái chết của con trai mình. Tôi tiếc rằng trong những ngày rất
buồn đó xung quanh tôi không có ngựa, cũng không có chó, và tôi không
nghĩ ra cách san sẻ nỗi đau khổ với đàn chuột. Ở lò bánh có rất nhiều chuột,
và tôi đã sống hòa hợp với chúng.
Lão cảnh sát Nikiforich bắt đầu lượn xung quanh tôi như một con diều
hâu. Người lão ta cân đối, khỏe mạnh, đầu hói bóng như bạc, bộ râu rậm
được xén tỉa chăm chút.
Vừa chép miệng một cách ngon lành lão vừa nhìn tôi hệt như nhìn vào
một con ngỗng bị cắt tiết trước lễ Giáng sinh.
– Tôi nghe nói anh thích đọc sách lắm phải không? ‒ Lão hỏi. ‒ Thí dụ
như những sách gì? Chẳng hạn Sự tích các thánh hoặc Kinh thánh đã đọc
chưa?
Tôi đã đọc Kinh thánh, cũng đã đọc cả Sứ đồ tuẫn giáo. Điều đó khiến
Nikiforich ngạc nhiên, và có lẽ đã làm lão ta bối rối.
– Thế à? Đọc sách là một việc hợp pháp và có ích! Thế còn những tác
phẩm của bá tước Tolstoy, anh đã đọc bao giờ chưa?
Tôi cũng đã đọc Tolstoy, nhưng lại không phải là những tác phẩm mà
viên cảnh sát chú ý.
– Đó có thể nói là những tác phẩm mà ai cũng biết. Đằng này nghe nói
có một số tác phẩm mà trong đó ông ta chống lại các cha cố. Giá được đọc
những tác phẩm ấy thì tốt!
Tôi cũng đã đọc “một số tác phẩm” mà viên cảnh sát nói đến qua những
bản in bằng một loại máy in thô sơ. Nhưng tôi thấy chúng có vẻ buồn tẻ, và
tôi biết rằng không nên thảo luận với cảnh sát về những tác phẩm ấy.
Sau một vài lần vừa đi vừa nói chuyện ngoài phố, lão già bắt đầu mời
tôi:
– Lúc nào đến chỗ tôi uống chén trà nhé!