Tôi đứng tựa lưng vào khung cửa và đưa mắt liếc nhìn cô. Cô thốt ra
tiếng “nhân tình” sao mà quá dễ dàng. Điều đó khiến tôi không thích. Tôi
cũng không thích quyết định đuổi bác thợ làm bánh của cô.
– Phải rất cẩn thận đấy! ‒ Cô ta nói.
Và cũng giống mọi lần, cái nhìn của cô như bám chặt vào người khiến
tôi bối rối. Tôi có cảm tưởng như nó đang hỏi tôi một điều gì mà tôi không
thể hiểu nổi. Lúc này, cô dừng lại trước mặt tôi, hai tay giấu sau lưng.
– Tại sao lúc nào anh cũng cau có thế?
– Bà tôi mới mất gần đây.
Chuyện đó với cô có vẻ buồn cười. Mỉm cười, cô hỏi:
– Anh yêu bà anh lắm phải không?
– Phải. Cô không cần gì nữa chứ?
– Không.
Tôi đi ra. Đêm hôm ấy tôi làm một bài thơ, trong đó tôi nhớ có một câu
ngang bướng như sau:
“Cô muốn như ai nhưng chẳng được,..”
Lúc này anh em sinh viên quyết định nên ít lui đến hiệu bánh hơn.
Không được gặp họ, tôi hầu như mất hẳn dịp hỏi han những điều tôi không
hiểu trong các cuốn sách mà tôi đọc. Tôi bèn ghi những thắc mắc vào một
quyển vở. Nhưng một hôm, mệt quá, tôi ngủ thiếp đi trên quyển vở, và bác
thợ làm bánh đã đọc hết những điều tôi ghi chép. Bác ta đánh thức tôi, hỏi:
– Chú viết cái gì thế này? “Tại sao Garibaldi không đuổi vua đi?”
Garibaldi là ai? Mà chẳng lẽ lại có thể đuổi nhà vua đi được à?
Bác ta giận dữ ném quyển vở xuống mặt hòm bột, rồi leo lên nóc lò sưởi.
Từ trên đó bác ta càu nhàu:
– Hãy nói xem nào! Nó muốn đuổi vua đi cơ đấy! Thật là buồn cười!
Chú mình hãy vứt những dự định vớ vẩn ấy đi. Sách với chả vở! Năm năm
trước ở Saratov những loại độc giả như thế này chẳng bị hiến binh nó bắt
như bắt chuột ấy là gì! Chẳng cần thế này cũng đã đủ để lão Nikiforich để ý