– Anh là Peskov, thợ làm bánh mì phải không? Tôi là Fedoseev
Chúng ta có lẽ nên làm quen với nhau. Thực ra ở đây cũng chẳng có việc gì
đâu, không khí ồn ào này kéo dài còn chán, mà ích lợi thì chẳng được là
bao. Ta đi thôi chứ?
Tối đã được nghe nói về Fedoseev như là người đứng đầu của một nhóm
thanh niên rất quan trọng. Tôi thấy ưa khuôn mặt xanh xao vẻ căng thẳng
và cặp mắt sâu của anh ta.
Trong khi đi với tôi qua cánh đồng, anh hỏi tôi có quen ai trong số các
công nhân không, tôi đang đọc sách gì, tôi có nhiều thì giờ rỗi không. Rồi
anh nói thêm:
– Tôi có nghe nói về cái cửa hiệu bánh mì ấy của anh. Anh đi làm một
việc vớ vẩn như thế thì kì lạ thật. Anh làm như vậy để làm gì?
Ít lâu nay chính tôi cũng thấy việc đó không đem lại ích lợi gì. Tôi bèn
đem ý nghĩ ấy nói với anh. Những lời của tôi khiến anh rất vui mừng. Anh
bắt tay tôi thật chặt và mỉm cười rạng rỡ, anh báo cho tôi biết ngày kia anh
sẽ rời đi độ ba tuần lễ, và khi trở về anh sẽ cho tôi biết chúng tôi sẽ gặp
nhau như thế nào và ở đâu.
Việc buôn bán của cửa hiệu bánh mì phát triển hết sức tốt, nhưng công
việc của riêng tôi thì càng ngày càng tồi. Chúng tôi đã chuyển sang lò bánh
mới, trách nhiệm của tôi lại càng tăng hơn. Tôi phải làm việc ở lò bánh,
đưa bánh đến các nhà, đến Đại chủng viện và trường “các thiếu nữ quý
tộc”. Các cô gái vừa chọn bánh sữa trong lẵng vừa giúi cho tôi những mẩu
giấy, và nhiều khi trên những tờ giấy rất đẹp tôi đã kinh ngạc đọc thấy
những lời lẽ trắng trợn viết bằng nét chữ trẻ con. Trong lòng tôi nhen lên
một cảm giác lạ lùng mỗi khi đám tiểu thư vui nhộn, ăn mặc sạch sẽ, hai
mắt sáng, quây xung quanh lẵng bánh, rồi vừa nhăn mặt một cách ngộ
nghĩnh vừa dùng những bàn tay bé nhỏ hồng hộc lục bới đống bánh. Tôi
nhìn họ và cố đoán xem ai đã viết cho tôi những dòng chữ trắng trợn,
những dòng chữ mà có lẽ họ không hiểu được ý nghĩa xấu xa của chúng?
Nhớ lại những “nhà giải muộn phiền” bẩn thỉu, tôi nghĩ: