– Chẳng lẽ “sợi dây vô hình” từ những nhà đó kéo dài cả đến tận đây
sao?
Một trong số các cô ‒ một cô gái tóc đen, ngực nở, tóc tết đuôi sam dày,
chặn tôi lại ở hành lang và nói khẽ, giọng hấp tấp:
‒Tôi sẽ cho anh mười kopek nếu anh chuyển hộ tôi bức thư này theo địa
chỉ trên thư.
Cặp mắt đen, dịu dàng của cô giàn giụa nước mắt. Cô nhìn tôi, hai môi
mím chặt, má và tai đỏ bừng. Tôi từ chối mười kopek với một vẻ cao
thượng, còn bức thư thì tôi cầm và đưa đến cho con trai ông thẩm phán tòa
thượng thẩm, một sinh viên cao lêu nghêu với cặp má đỏ của người bị bệnh
lao phổi. Anh ta lặng lẽ và đăm chiêu đếm mấy đồng tiền lẻ rồi đưa cho tôi
năm mươi kopek. Khi tôi bảo là cái đó đối với tôi không nghĩa lí gì, anh ta
liền đút tiền vào túi quần. Nhưng anh ta nhét trượt, thành thử tiền vãi tung
ra sàn nhà.
Anh ta bối rối nhìn theo những đồng năm và bảy kopek lăn khắp mọi
nơi, hai tay cọ vào nhau mạnh đến nỗi những đốt ngón tay kêu răng rắc.
Rồi anh ta vừa thở dài khó nhọc vừa lắp bắp:
– Làm thế nào bây giờ? Thôi, từ biệt! Tôi cần phải suy nghĩ…
Tôi không biết anh ta đã nghĩ được gì, nhưng tôi rất thương hại cô gái. ít
lâu sau cô ta biến khỏi trường, và khoảng mười lăm năm sau tôi gặp cô dạy
học tại một trường trung học ở Crimea. Cô mắc bệnh lao phổi, và cô nói về
mọi việc ở đời bằng giọng độc ác không thương tiếc của một con người đã
từng bị cuộc đời lăng nhục.
Sau khi đưa bánh xong, tôi đi ngủ. Buổi tối tôi làm việc ở lò bánh để đến
nửa đêm đem bánh sữa ra cửa hiệu. Cửa hiệu nằm ở gần nhà hát thành phố,
xem biểu diễn xong khán giả thường rẽ vào ăn bánh nóng. Sau đó tôi đi
nhào bột để làm bánh mì cân và bánh mì Pháp. Mà nhào bằng tay mười lăm
hai mươi pood bột không phải là chuyện đùa.
Rồi tôi lại ngủ độ hai, ba giờ và lại đi đưa bánh.
Cứ như thế ‒ ngày này qua ngày khác.