Nhưng lúc này tôi đã mắc phải cái bệnh ngứa ngáy không thể nào chịu
nổi: muốn đi gieo rắc những hạt giống của “lí trí, lương thiện, vĩnh cửu”.
Là một người dễ gần gũi mọi người, tôi biết kể chuyện một cách sinh động.
Trí tưởng tượng của tôi là do kinh nghiệm sống và những điều tôi đọc được
trong sách tạo nên. Không cần quá nỗ lực tôi cũng có thể xây dựng một câu
chuyện hay mà cốt chuyện là “sợi dây vô hình” uốn khúc quanh co từ một
sự kiện thường ngày. Tôi có quen biết mấy công nhân ở nhà máy
Krestovnikov và Alafuzov. Đặc biệt gần gũi đối với tôi là bác thợ dệt già
Nikita Rubtsov, một người đã từng làm việc qua hầu khắp các nhà máy dệt
của nước Nga, một tâm hồn thông minh, hoạt bát.
– Đã năm mươi bảy năm nay bác đi trên trái đất này, Aleksej Maksimich
của bác ạ! Chàng lang thang trẻ tuổi, con thoi mới của ta ơi!
Bác nói bằng giọng nghẹn ngào, đôi mắt màu xám nheo cười sau cặp
kính râm. Hai mắt kính của bác nối với nhau bằng một sợi dây đồng tự làm
lấy, vì thế trên sống mũi và phía tai bác nổi lên những vết ô xít đồng màu
xanh. Những người thợ dệt gọi bác là “người Đức” vì bác cạo râu cằm
nhưng để lại một hàng ria mép dài và một nhúm râu bạc phía dưới môi
dưới. Bác người tầm thước, ngực nở, nét mặt chất chứa một niềm vui chua
xót.
– Bác thích đi xem xiếc. ‒ Bác vừa nói vừa ngả cái đầu hói mấp mô
sang vai trái. ‒ Người ta dạy ngựa khéo đấy chứ? Súc vật mà thế đấy! Thật
là khoan khoái! Bác nhìn những con vật ấy một cách kính phục và tự nhủ:
Hừ, như vậy thì cũng có thể dạy cho con người biết sử dụng lí trí của họ
chứ. Những người làm xiếc mua chuộc súc vật bằng đường, còn chúng ta,
tất nhiên chúng ta có thể mua được đường ở cửa hàng. Đối với con người
thì cần phải có chất đường cho tâm hồn, đó là sự âu yếm. Anh bạn trẻ ạ,
như vậy tức là cần phải hành động bằng âu yếm, chứ không phải bằng
thanh củi như đã thành thông lệ giữa chúng ta với nhau đâu. Có phải
không?
Bản thân bác cũng chẳng âu yếm gì mọi người. Bác thường nói với họ
bằng giọng gần như khinh bỉ và có vẻ giễu cợt. Trong những cuộc tranh