– Thì còn có gì cản trở tôi nữa kia chứ, hả? Đã gần hai chục năm nay tôi
tin Chúa, tôi đã sống trong sự khiếp sợ Chúa. Tôi đã chịu đựng vì không
được tranh cãi: Mọi sự đều do Đấng tối cao. Tôi đã phải sống một cách trói
buộc. Đọc kĩ Kinh thánh tôi mới biết toàn là chuyện bịa cả! Toàn là bịa hết,
Nikita ạ!
Rồi anh vung tay lên hệt như muốn giật đứt “sợi dây vô hình” và nói gần
như khóc:
– Xem đấy, vì thế tôi chưa già mà đã sắp chết rồi đây!
Tôi còn quen một số người khá thú vị nữa. Tôi hay chạy đến lò bánh mì
của Semyonov gặp các bạn cũ. Họ đón tiếp tôi một cách hân hoan và sẵn
sàng nghe chuyện của tôi. Còn Rubtsov thì ở xóm Hải quân, Shaposhnikov
lại ở xóm Tatar, rất xa phía bên kia sông Kaban, người nọ cách người kia
khoảng năm versta, nên tôi rất ít có dịp gặp họ. Họ thì lại không thể đến
gặp tôi vì tôi không có chỗ nào để tiếp khách cả. Hơn nữa, lão thợ làm bánh
mới, một lão lính đã về hưu, thường hay đi lại với bọn hiến binh. Sân sau
của sở hiến binh giáp với sân nhà chúng tôi, nên những bộ “quân phục
xanh” oai vệ thường leo qua hàng rào để sang mua bánh mì trắng cho đại tá
Gangardt và mua bánh mì đen cho bản thân họ. Và còn một điều nữa:
Người ta khuyên tôi không nên “xuất đầu lộ diện” nhiều quá để khỏi thu
hút sự chú ý không cần thiết của mọi người đối với hiệu bánh.
Tôi nhận thấy công việc của tôi đang dần dần mất hết ý nghĩa. Càng
ngày người ta càng không đếm xỉa đến lỗ lãi của việc buôn bán, cứ việc lấy
tiền ở két ra một cách bừa bãi đến nỗi đôi khi không còn gì để trả tiền bột
nữa, Derenkov vừa vuốt râu vừa mỉm cười một cách chán nản:
– Chúng ta đến vỡ nợ mất thôi!
Anh ta sống cũng khổ. Cô Nastya có bộ tóc quăn màu hung, đang “bụng
mang dạ chửa”, lúc nào cũng gầm gừ như một con mèo dữ tợn, thường nhìn
mọi vật và mọi người bằng cặp mắt xanh tức giận.
Cô ta hay đâm sầm vào Andrej như thể không trông thấy anh. Andrej
vừa mỉm cười như kẻ mắc lỗi vừa né đường cho cô ta đi và thở dài.