Thỉnh thoảng anh phàn nàn với tôi:
– Mọi sự chằng ra cái quái gì cả! Cái gì thiên hạ cũng lấy mất. Thật
không còn ra làm sao! Mình vừa mới mua nửa tá bít tất, thế mà chúng đã
biến mất ngay lập tức!
Câu chuyện bít tất ấy thật là buồn cười. Nhưng tôi không cười. Tôi thấy
rõ con người giản dị, vô tư ấy vất vả như thế nào để cố xây đắp một sự
nghiệp có ích. Nhưng những người xung quanh lại có thái độ coi thường và
thiếu quan tâm đối với sự nghiệp ấy, họ tìm cách phá hoại nó. Derenkov
không mong đợi lời cảm ơn của những người mà anh đã phục vụ, nhưng
anh có quyền đòi hỏi ở họ một thái độ săn sóc và thân mật hơn. Anh đã
không nhận được thái độ đúng mực ấy. Còn gia đình anh thì tan vỡ nhanh
chóng. Ông cụ thân sinh trở nên u uất do những nỗi sợ hãi phát sinh từ tôn
giáo. Đứa em trai ham mê tửu sắc. Cô em thì đối xử với anh như một người
xa lạ, và hình như cô ta có chuyện gì không được vui với gã sinh viên tóc
hung. Tôi thường thấy mắt cô sưng húp vì khóc nhiều, và tôi bắt đầu căm
ghét gã sinh viên.
Tôi cảm thấy tôi yêu Mariya Derenkova. Tôi cũng đã từng yêu một cô
bán hàng trong cửa hiệu của chúng tôi tên là Nadezhda Shcherbatova, một
cô gái đẫy đà, má đỏ, thường xuyên nở nụ cười dịu dàng trên cặp môi đỏ
tươi. Nói tóm lại là tôi đã biết yêu. Tuổi đời, tính tình và cuộc sống phức
tạp của tôi đòi hỏi tôi phải tiếp xúc với phụ nữ. Và việc đó đối với tôi
không phải là quá sớm, có thể nói là muộn. Tôi cần sự âu yếm của phụ nữ,
hoặc chỉ là sự để ý thân mật thôi cũng được. Tôi cần thổ lộ tâm sự, cần
được thấu hiểu những ý nghĩ rời rạc rối mù và những ấn tượng lộn xộn của
tôi.
Tôi vốn không có bạn bè. Những người nhìn tôi như nhìn một “vật liệu
cần được chế biến” không gây được cảm tình nơi tôi, và không thể khiến
tôi cởi mở. Cứ mỗi khi tôi bắt đầu nói những điều họ không thích, họ liền
khuyên:
– Hãy gác chuyện ấy lại!