Và đột nhiên lão hỏi:
– Anh là người đọc nhiều sách, thế anh đã đọc sách Phúc âm chưa? Sao,
theo ý anh thì những điều viết trong đó có đúng cả không?
– Tôi không biết.
– Theo tôi, có những cái thừa. Mà không phải ít đâu. Chẳng hạn như nói
về những người nghèo khó: Đó là những người nghèo khổ hạnh phúc.
Nhưng họ hạnh phúc ở chỗ nào? Nói như thế có sai đôi chút. Nói chung là
những chỗ nói về người nghèo có nhiều cái khó hiểu lắm. Cần phải phân
biệt người nghèo với người bị lâm vào cảnh nghèo. Người nghèo tức là
người xấu! Còn người bị lâm vào cảnh nghèo thì có thể là một người bất
hạnh, cần phải suy xét như vậy. Như thế tốt hơn.
– Tại sao?
Lão im lặng, nhìn tôi một cách tò mò. Sau đó, bằng một giọng rành rọt
và chắc chắn, lão bắt đầu nói ra những ý nghĩ mà có lẽ lão đã ngẫm rất lâu:
– Trong sách Phúc âm nói nhiều đến sự thương hại quá, mà thương hại
là một điều tai hại. Tôi nghĩ như vậy. Sự thương hại đòi hỏi những chi phí
rất lớn cho những con người vô dụng, thậm chí những người có hại nữa.
Nào là trại nuôi người tàn tật, nhà tù, nhà thương điên. Chính ra cần giúp
đỡ những người khỏe mạnh, lành lặn để họ khỏi hao phí sức lực một cách
vô ích. Đằng này chúng ta lại đi giúp đỡ những con người yếu đuối. Chẳng
lẽ có thể biến người yếu thành người khỏe được sao? Vì cái trò vô bổ ấy mà
những người khỏe thì yếu đi, còn những người yếu thì cứ ngồi trên cổ họ
mãi. Đó, vấn đề là ở đó! Có nhiều cái cần được quan niệm lại. cần phải
hiểu rằng cuộc sống từ lâu đã bác bỏ sách Phúc âm rồi. Nó có đường đi của
nó. Đó, anh đã thấy vì sao mà Pletnyov đi đời rồi chứ? Vì lòng thương hại.
Chúng ta đi bố thí cho bọn ăn mày, còn các sinh viên thì để cho họ mất
mạng. Đạo lí ở chỗ này là đâu, hả?
Lần đầu tiên tôi được nghe những ý nghĩ đó dưới một hình thức sắc sảo
như vậy, tuy trước kia tôi cũng đã từng va vấp với chúng. Chúng có sức
sống dai dẳng hơn và phổ biến hơn người ta thường nghĩ. Bảy năm sau, khi
đọc về Nietzsche tôi nhớ lại rất rõ triết lí của lão cảnh sát Kazan này. Nhân