– Chân lí và tình yêu. ‒ Người theo chủ nghĩa Tolstoy thét lên, cặp mắt
ông ta ánh lên vẻ căm hờn và khinh bỉ.
Tôi cảm thấy mình như người say vì tiếng nói, không nắm được ý nghĩa
những tiếng ấy nữa. Mặt đất đưới chân tôi như đu đưa trong cơn lốc của
tiếng nói, và tôi thường thất vọng nghĩ rằng trên trái đất thật không có kẻ
nào ngu ngốc và bất tài như tôi.
Người theo chủ nghĩa Tolstoy vừa lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng
vừa thét lên dữ tợn:
– Vứt sách Phúc âm đi, quên nó đi thì khỏi bị nó lừa! Cứ đem đóng đinh
Jesus vào thánh giá một lần nữa đi! Như thế lại trung thực hơn!
Trước mặt tôi hiện lên một câu hỏi sừng sững như một bức tường: Làm
sao đây? Nếu cuộc sống là một cuộc đấu tranh không ngừng cho hạnh phúc
trên trái đất, vậy thì lòng nhân từ và yêu thương chẳng phải chỉ làm trở ngại
cho thắng lợi của cuộc đấu tranh đó hay sao?
Tôi được biết tên của người đàn ông theo chủ nghĩa Tolstoy là Klopsky,
biết cả chỗ ở của ông ta nữa,chiều hôm sau tôi bèn đến nhà ông ta. Ông ta
sống nhờ nhà hai cô địa chủ. Khi tôi đến, ông đang ngồi với họ trong vườn,
bên một chiếc bàn, dưới bóng một cây bồ đề cổ thụ. Ông ta mặc quần trắng,
áo sơ mi cũng màu trắng phanh ra để lộ bộ ngực lông lá đen sì. Trông
người ông ta dài thuồn thuỗn, cử chỉ vụng về, vẻ mặt khô khan, thật phù
hợp với tưởng tượng của tôi về những đạo sĩ vô gia cư, những người đi
truyền bá chân lí.
Ông ta cầm chiếc thìa bằng bạc múc phúc bồn tử với sữa ở đĩa lên, nuốt
một cách ngon lành và chép chép cặp môi dày.
Cứ nuốt xong, ông ta lại thổi phù phù cho những giọt sữa trắng nhỏ li ti
bắn khỏi hàng ria mép thưa như ria mèo. Hai cô gái, một cô đứng bên bàn
đế phục dịch ông ta, cồ kia đứng tựa lưng vào thân cây bồ đề, hai tay
khoanh trước ngực, mắt mơ màng nhìn lên bầu trời bụi bặm, nóng bức. Cả
hai đều mặc áo dài mỏng màu tím và giống nhau đến nỗi gần như không
thể phân biệt được.