Tôi ra về, đem theo lòng ác cảm đối với con người đó và mối hoài nghi
lờ mờ về sự thành thực của ông ta.
Mấy hôm sau, một buổi sáng khi tôi đem bánh mì đến cho khách quen ‒
một ông phó giáo sư sống độc thân và rất nát rượu ‒ tôi lại gặp Klopsky.
Chắc hẳn suốt đêm ông ta không ngủ, da nâu sạm, cặp mắt đỏ ngầu và sưng
húp. Tôi có cảm tưởng như ông ta đang say rượu. Ông phó giáo sư to béo
say khướt, mặc đồ lót, tay cầm cây đàn ghi ta, ngồi trên sàn nhà giữa đống
bàn ghế, chai rượu và quần áo bẩn. Ông ta ngồi lắc lư, miệng la:
– Lòng nhân… nhân từ…
Klopsky thét, giọng gay gắt và giận dữ:
– Không có lòng nhân từ! Chúng ta sẽ chết mục vì tình yêu hoặc sẽ bị
nghiến bẹp trong cuộc đấu tranh cho tình yêu ‒ tất thảy đều như nhau cả: số
chúng ta phải chết…
Ông ta nắm lấy vai tôi, dẫn tôi vào phòng và nói với ông phó giáo sư:
– Đây, thử hỏi anh này xem anh ta muốn gì? Hỏi xem: Anh ta có cần
tình yêu đối với mọi người không?
Ông phó giáo sư nhìn tôi bằng cặp mắt nhòa lệ và cười:
– Anh ấy là người bán bánh mì! Tôi còn nợ tiền anh ta.
Ông ta lảo đảo, thọc tay vào túi, rút ra một chiếc chìa khóa và đưa cho
tôi:
– Đấy, lấy cả đi!
Nhưng ông theo chủ nghĩa Tolstoy đã đỡ lấy chiếc chìa khóa ở tay ông
phó giáo sư và phẩy tay bảo tôi:
– Đi đi! Sau hãy lấy tiền.
Nói rồi ông ra cầm những cái bánh mì có nhân của tôi quẳng lên chiếc đi
văng ở góc nhà.
Ông ta không nhận ra tôi, và điều đó làm tôi thấy dễ chịu. Ra về, tôi
mang theo trong tâm trí những lời nói về cái chết do tình yêu của ông ta và
mang trong lòng một nỗi chán ghét đối với ông ta.