– Phải tàn nhẫn hơn nữa, cho thiên hạ khổ sở vì nó, cho mọi người
không thể chịu đựng được nó nữa, giống như cái mùa thu đáng nguyền rủa
này này!
Lúc đó là đầu mùa thu, một mùa thu mưa rét, đầy bệnh tật và những vụ
tự tử. Lavrov cũng tự đầu độc bằng kali xyanua, anh không muốn đợi đến
khi bệnh phù giết chết anh.
– Chữa cho súc vật, rồi lại chết như súc vật! ‒ Bác thợ may Mednikov,
chủ nhà của chàng bác sĩ thú y, nói trong lúc đi đưa đám anh ta.
Bác gầy gò, mộ đạo, thuộc tất cả những bài hát ca ngợi Đức Mẹ. Bác hay
đánh con cái ‒ một đứa con gái lên bảy và một thằng con trai mười một
tuổi học trung học ‒ bằng roi da chập ba, còn vợ thì bác dùng gậy tre đánh
vào hai bắp chân.
Bác thường than thở:
– Quan tòa quở trách tôi là bắt chước cái lối đó của người Trung Quốc,
nhưng suốt đời tôi chưa hề thấy người Trung Quốc bao giờ, ngoài những
hình vẽ trên các tấm biển và các bức tranh.
Một trong số những thợ làm của bác ta có biệt danh là “chồng mụ
Dunka” ‒ một người lúc nào cũng rầu rĩ, hai chân thì cong ‒ đã nói về ông
chủ của mình như sau:
– Tôi rất sợ những kẻ đã thơn thớt đầu lưỡi lại còn mộ đạo! Người nóng
tính thì thấy ngay, và ta luôn luôn có thời giờ để lẩn tránh họ, còn kẻ thơn
thớt đầu lưỡi thì họ trườn lên người anh, vừa xảo trá vừa lén lút, tựa như
một con rắn nham hiểm trườn trên bãi cỏ rồi bất thình lình cắn vào chỗ sơ
hở nhất của tâm hồn anh. Tôi sợ những kẻ thơn thớt đầu lưỡi lắm…
Trong những lời của “chồng mụ Dunka” ‒ một gã ton hót mềm mỏng,
ranh mãnh, được Mednikov yêu mến ‒ có phần nào sự thật.
Đôi khi tôi cảm thấy những người ăn nói ngọt ngào cũng giống như
những đám rêu; họ làm cho trái tim đá của cuộc sống tơi, mềm và thêm
màu mỡ. Nhưng thường thường, trong khi quan sát rất nhiều người như
vậy, nhìn sự thích ứng khéo léo của họ đối với những điều đê tiện cùng tính