dễ thay đổi và thiếu kiên định của tâm hồn và những lời than vãn dai dẳng
nghe như tiếng muỗi kêu, tôi thấy mình giống một con ngựa bị buộc chân
đứng giữa đám ruồi trâu.
Đó là những điều tôi đã nghĩ lúc ở nhà lão cảnh sát đi ra.
Gió rít, những ngọn đèn đường run rẩy, có cảm giác như bầu trời đen
xám đang rung động và rắc xuống mặt đất những hạt mưa tháng Mười lâm
râm như bụi. Một ả gái điếm ướt lướt thướt kéo một anh chàng say rượu đi
trên phố. Ả nắm tay anh ta, vừa kéo vừa giật, còn anh chàng thì lẩm bẩm
điều gì đó và nức nở. Người đàn bà nói, giọng khàn khàn và mệt mỏi:
– Cái số của anh nó như thế…
“Đó!” Tôi nghĩ. “Mình cũng đang bị một người lôi đi đẩy vào những xó
xỉnh ghê tởm và chỉ cho mìnhxem những cái bẩn thỉu, buồn rầu và đủ thứ
người kì quặc. Cái đó làm mình mệt nhoài cả người.”
Có thể không hẳn là tôi nghĩ đúng những lời đó, nhưng quả ý nghĩ ấy đã
bùng lên trong óc tôi. Chính vào buổi tối buồn bã đó, lần đầu tiên tôi cảm
thấy sự mệt mỏi của tâm hồn, cảm thấy như trong tim tôi có một đám mốc
ăn mòn. Từ giờ phút đó trở đi tôi bắt đầu thấy mình ngày một tồi hơn. Tôi
bắt đầu nhìn minh với cặp mắt của người đứng ngoài, cặp mắt lạnh nhạt, xa
lạ và thù địch.
Tôi nhận thấy hầu như trong mỗi người đều có sự kết hợp vụng về và lộn
xộn của những mâu thuẫn, không những trong lời nói và hành động, mà cả
trong tình cảm nữa. Trò đùa kì quái của những mâu thuẫn trong tình cảm đó
đặc biệt đè nặng lên tôi. Tệ hơn nữa, ngay cả tâm hồn tôi cũng cảm nhận
được trò đùa ấy. Tôi bị lôi kéo về mọi phía: đàn bà và sách vở, công nhân
và giới sinh viên vui nhộn. Nhưng tôi chưa kịp tiến về phía nào cả, cứ sống
“nay đây mai đó”, quay tít như một con quay. Và một cánh tay vô hình,
nhưng rất khỏe, đã dùng một chiếc roi vô hình quất vào người tôi, làm bỏng
rát cả da thịt.
Nghe nói Yakov Shaposhnikov phải vào nằm nhà thương, tôi bèn đi thăm
anh ta. Nhưng đến đó, một mụ đàn bà to béo, méo mồm, đeo kính và trùm