- Đúng thế.
- Con cũng sẽ nhìn thấy mọi thứ sau vài ngày nữa đúng không?...
Không, có thể sau một tháng nữa...
Người mẹ không đáp lại, vì vậy, cô hỏi tiếp:
- Mẹ ơi, ở ngoài sân luôn luôn là ban ngày có phải không?... Còn
trong vườn là cây cối giống như ngày xưa?... Có phải con mèo trắng có
những cẳng chân đen ngòm vẫn đi đến chỗ chúng ta hay không?... Mẹ
ơi, con đã từng nhìn thấy mình trong gương có đúng không nhỉ?... Ở
đây không có gương à?...
Người mẹ đưa gương cho cô bé.
- Phải nhìn ở chỗ này, ở đây, chỗ nhẵn ấy. - Cô bé vừa nói vừa áp
gương vào mặt - Con không nhìn thấy gì cả! Thế cả mẹ nữa có nhìn
thấy con ở trong gương không?
- Mẹ nhìn thấy con, con chim non của mẹ.
- Bằng cách nào?... - Cô gái buồn bã lên tiếng - Rõ ràng là nếu như
con không nhìn thấy mình, thì trong gương ấy phải không có gì... Còn
cái đứa ở trong gương ấy liệu có nhìn thấy con hay không?
Người mẹ bật khóc và chạy ra khỏi phòng.
Công việc yêu thích nhất của kẻ tàn tật là chạm tay vào những đồ vật
nhỏ bé và nhận biết chúng.
Một hôm, người mẹ mang đến cho nó con búp bê làm bằng sứ, mặc
quần áo đẹp, giá một rúp. Cô bé không rời tay khỏi con búp bê, sờ mũi,
miệng, mắt và vuốt ve âu yếm nó.
Cô bé đi ngủ rất muộn, lúc nào cũng nghĩ về con búp bê của mình và
cô đã đặt nó trong chiếc hộp có đệm bông.
Giữa đêm, người mẹ bị tiếng rì rầm nho nhỏ làm tỉnh giấc. Bà bật
dậy khỏi giường, thắp nến lên và nhìn thấy ở góc phòng con gái mình
đã ăn mặc đàng hoàng đang chơi với con búp bê.
- Con làm gì thế, con gái? - Bà lên tiếng - Tại sao con không ngủ?
- Bởi bây giờ đã là ban ngày, thưa mẹ. - Đứa bé tàn tật đáp.