Hy Lạp có quá ít đất đai để trở thành một nước xuất khẩu nông nghiệp lớn,
hoặc để phát triển thêm nhiều khu đô thị lớn với dân số có trình độ học vấn
cao, tay nghề cao và tiên tiến về mặt công nghệ. Tình hình của Hy Lạp càng
trở nên trầm trọng hơn bởi vị trí địa lý của nó: Athens nằm ở mũi một bán
đảo, gần như bị cắt đứt khỏi tuyến thương mại đường bộ với châu Âu. Hy
Lạp phụ thuộc vào biển Aegean để tiếp cận với thương mại hàng hải trong
khu vực - nhưng bên kia bờ biển này là Thổ Nhĩ Kỳ, một kình địch tiềm
tàng. Hy Lạp đã trải qua một vài cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối
thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và trong thời hiện đại vẫn chỉ tiêu một số tiền
khổng lồ, mà đất nước không có, vào quốc phòng.
Phần đất liền của Hy Lạp được che chắn bởi núi non, nhưng có khoảng
1.400 hòn đảo Hy Lạp (hoặc sáu ngàn đảo nếu bạn tính cả những mỏm đá
muôn hình vạn trạng nhô lên trên biển Aegean) trong đó chỉ khoảng hai trăm
đảo là có người sinh sống. Phải có một đội tàu chiến tương đối mới đủ để
tuần tra lãnh thổ này, chưa nói đến một hạm đội đủ mạnh để ngăn chặn bất
kỳ mưu toan chiếm đảo nào. Kết quả là một khoản chỉ tiêu khổng lồ cho
quân sự mà Hy Lạp không thể chi trả. Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ, và
ở một mức độ thấp hơn là Anh, đã bằng lòng tài trợ cho Hy Lạp một số nhu
cầu quân sự nhằm ngăn chặn Liên Xô khỏi vùng biển Aegean và Địa Trung
Hải. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chi phiếu cũng ngừng lại. Nhưng
Hy Lạp vẫn tiếp tục chỉ tiêu.
Sự phân chia mang tính lịch sử này tiếp tục gây tác động đến tận ngày
nay theo sau vụ sụp đổ tài chính tại châu Âu vào năm 2008 và sự rạn nứt của
ý thức hệ trong khu vực đồng euro. Vào năm 2012, khi các khoản cứu trợ tài
chính của châu Âu được khởi tạo và đòi hỏi Hy Lạp thực thi các biện pháp
thắt lưng buộc bụng đã được đưa ra nhằm giữ cho đất nước này không vỡ nợ
và vẫn ở trong khu vực đồng euro, chẳng mấy chốc sự phân chia về địa lý đã
trở nên rõ rệt. Bên tài trợ và đưa ra yêu cầu là các nước phía bắc, bên nhận
và xin tài trợ hầu hết là các nước phía nam. Chẳng bao lâu người dân Đức đã
nhận ra rằng họ phải làm việc đến tận sáu mươi lăm tuổi và phải trả những