Thể tiến thoái lưỡng nan giữa vị trí địa lý và não trạng hiếu chiến của
Đức được biết đến qua cuộc tranh luận gọi là “Giải pháp Đức (German
Question)”. Câu trả lời, sau nỗi kinh hoàng của Thế chiến II, nói đúng hơn
sau hàng thế kỷ chiến tranh, là chấp nhận sự hiện diện của một cường quốc
áp đảo duy nhất tại các vùng đất châu Âu, tức Hoa Kỳ, kẻ thành lập NATO
và sau cùng cho phép tạo ra Liên minh châu Âu. Kiệt quệ bởi chiến tranh, và
được “đảm bảo” an toàn bởi lực lượng quân đội Hoa Kỳ, các nước châu Âu
bắt tay vào một thử nghiệm đáng kinh ngạc. Họ được yêu cầu tin tưởng lẫn
nhau.
EU hiện nay đã được thiết lập sao cho Pháp và Đức có thể ôm ghì nhau
trong một vòng tay yêu thương để không bên nào có thể buông tay ra đấm
người kia. Kế sách này đã thành công rực rỡ và tạo ra một không gian địa lý
rộng lớn chứa đựng nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nó đặc biệt có hiệu quả tốt đối với Đức, đất nước đã đứng lên từ đống
tro tàn của năm 1945 và làm quen với lợi thế địa lý mà họ từng sợ hãi. Đức
đã trở thành nhà sản xuất lớn của châu Âu. Thay vì phái quân đội đến các
vùng bình nguyên, Đức vận chuyển đến đó hàng hóa với nhãn hiệu uy tín
“MADE IN GERMANY“. Những dòng hàng hóa này chảy xuôi sông Rhine
và sông Elbe, đọc theo những cao tốc tỏa khắp châu Âu và thế giới, phía
bắc, phía nam, phía tây, và từ năm 1990 ngày càng nhiều về phía đông.
Tuy nhiên, khởi đầu vào năm 1951 như Cộng đồng Than-Thép châu Âu
của sáu quốc gia, tổ chức này đã trở thành một EU đa quốc gia với cốt lõi ý
thức hệ của “một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Sau cuộc khủng
hoảng tài chính lớn đầu tiên tấn công liên minh này, ý thức hệ đó đặt trên
một nền tảng không vững chắc và các mối ràng buộc đang bị sờn mòn. Như
tác giả địa chính trị Robert Kaplan diễn đạt: có dấu hiệu về “sự trả thù của
địa lý” trong Liên minh châu Âu.