vận chuyển khối lượng muối rất lớn, món hàng có giá trị nhất của vùng này
thời bấy giờ, nhưng người Ả-rập bắt đầu thực hành nghề săn bắt nô lệ châu
Phi cho những thủ lĩnh bộ lạc nào muốn có họ, vị thủ lĩnh đó sẽ đưa nô lệ
đến bờ biển. Vào thời cực thịnh của Đế chế Ottoman trong thế kỷ 15 và 16,
hàng trăm ngàn người Phi (chủ yếu từ khu vực Sudan) đã được đưa đến
Istanbul, Cairo, Damascus và khắp thế giới Ả-rập. Người châu Âu liền học
theo, vượt qua cả Ả-rập và Thổ Nhĩ Kỳ về lòng tham và sự ngược đãi đối
với những con người bị đẩy lên những con tàu nô lệ neo ngoài khơi bờ biển
phía tây.
Trở về những thủ phủ lớn là London, Paris, Brussels và Lisbon, người
châu Âu khi đó lôi ra các tấm bản đồ địa lý châu Phi và kẻ những đường
“biên giới” – hoặc, diễn đạt lại một cách gây hấn hơn, những đường “dối
trá” - lên đó. Ở giữa những đường kẻ này, họ viết những từ như Trung
Congo hay Thượng Volta và gọi chúng là những đất nước. Những đường kẻ
trên bản đồ này đúng hơn là về việc các nhà thám hiểm, quân đội và doanh
nhân của mỗi cường quốc đã tiến xa đến đâu, chứ không phải là về việc
những người dân sống giữa những đường kẻ ấy cảm nhận mình là gì, hay họ
muốn tổ chức cuộc sống của chính họ như thế nào. Nhiều người dân châu
Phi hiện nay phần nào là những tù nhân của địa lý chính trị mà người châu
Âu đã làm ra, và là tù nhân của những rào cản tự nhiên đối với sự phát triển
mà thiên nhiên đã ban cho họ. Từ những điều như vậy, họ đang xây dựng
một quê hương hiện đại và, trong một số trường hợp, một nền kinh tế sôi
động và kết nối.
Hiện tại có năm mươi sáu quốc gia ở châu Phi. Kể từ khi “ngọn gió
thay đổi “ của phong trào độc lập thổi qua giữa thế kỷ 20, một số từ ngữ
nằm giữa những đường kẻ đã bị thay đổi, ví dụ, Rhodesia thì giờ là
Zimbabwe, nhưng điều đáng ngạc nhiên là các đường biên giới hầu như vẫn
y nguyên. Tuy vậy, nhiều đường biên giới bao quanh chính những phân khu
vực chúng đã từng bao quanh khi được vẽ ra lần đầu tiên, và những khu vực