chính thức đó là một số trong nhiều di sản mà chủ nghĩa thực dân để lại cho
lục địa này.
Những xung đột sắc tộc ở Sudan, Somalia, Kenya, Angola, Cộng hòa
Congo, Nigeria, Mali và các nơi khác là bằng chứng cho thấy ý tưởng về địa
lý của châu Âu không phù hợp với thực tế nhân khẩu học của châu Phi.
Xung đột có thể vẫn luôn xảy ra: người Zulus và người Xhosas đã có những
bất hòa từ lâu trước khi họ từng nhìn thấy một người châu Âu. Nhưng chủ
nghĩa thực dân đã bắt những bất hòa đó phải được giải quyết trong phạm vi
một cấu trúc nhân tạo - một khái niệm châu Âu về quốc gia dân tộc (nation
state). Các cuộc nội chiến hiện đại ngày nay một phần là do những kẻ thực
dân bảo các dân tộc (nation) khác nhau rằng họ là một dân tộc trong một
quốc gia (state), và rồi sau khi những thế lực thực dân đã bị đuổi đi, một sắc
tộc lấn át nổi lên trong phạm vi quốc gia/nhà nước (state) đó và muốn cai trị
tất cả, do đó bạo lực tất phải xảy ra.
Hãy lấy ví dụ Libya, một kết cấu nhân tạo có tuổi chỉ một vài thập niên,
mà ngay từ thử thách đầu tiên đã tan vỡ, trở lại cấu trúc tiền thân của nó - ba
vùng địa lý riêng biệt. Vùng phía tây, trong thời Hy Lạp cai trị, là
Tripolitania (từ tiếng Hy Lạp “tripolis”, ba thành phố, sau cùng sáp nhập trở
thành Tripoli). Vùng phía đông, tập trung ở thành phố Benghazi nhưng kéo
dài đến biên giới nước Chad, được biết đến trong cả thời kỳ Hy Lạp và La
Mã dưới tên gọi Cyrenaica. Bên dưới hai vùng này, ở nơi hiện nay thuộc
vùng viễn tây nam của đất nước, là vùng Fezzan.
Tripolitania luôn hướng về phía bắc và tây bắc, buôn bán với các nước
láng giềng Nam Âu. Cyrenaica luôn nhìn về hướng đông, đến Ai Cập và các
vùng đất Ả-rập. Thậm chí dòng hải lưu ngoài khơi bờ biển của tùng
Benghazi cũng đưa tàu thuyền đi về hướng đông một cách tự nhiên. Fezzan
theo truyền thống là vùng đất của những người du mục có ít điểm chung với
hai cộng đồng miễn duyên hải nói trên.