nhiều xích mích. Cuộc nội chiến Syria đã thay đổi điều đó, với việc Nga ủng
hộ Tổng thống Assad và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hết sức để lật đổ chế độ Assad
và thay thế bằng một chính phủ do Hồi giáo Sunni lãnh đạo. Mọi thứ đã dẫn
đến thế đối đầu vào cuối năm 2015 sau khi Nga can thiệp vào Syria bằng
quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ phản lực SU24 của Nga, mà
Thổ tuyên bố đã vi phạm không phận của mình. Một cuộc khẩu chiến gay
gắt theo sau, thậm chí còn có mối họa mơ hồ rằng nó sẽ biến thành một màn
đấu súng thực sự, nhưng cả hai bên chấp nhận dừng lại ở những lời đả kích
và biện pháp phong tỏa kinh tế. Cuộc tranh cãi quyết liệt này không chỉ là về
Syria và máy bay chiến đấu của Nga - mà còn về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga
tranh giành ảnh hưởng ở biển Đen, biển Caspi, và giữa các sắc dân Thổ tại
các nước như Turkmenistan. Cả hai đều biết rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục
phát triển, nước này sẽ tìm cách đối đầu với Nga trong các quốc gia “stans”
và không có ý định lùi bước trước các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và “danh
dự”.
Tầng lớp tinh hoa của Thổ Nhĩ Kỳ đã học được rằng tìm cách ghi điểm
trước thế giới Hồi giáo bằng cách gây chiến với Israel sẽ dẫn tới kết quả là
Israel hợp tác với Cyprus và Hy Lạp để tạo ra một liên minh năng lượng ba
bên nhằm khai thác các mỏ khí đốt ngoài khơi từng nước. Quan điểm mập
mờ của chính phủ Ai Cập về Thổ Nhĩ Kỳ đang góp phần vào mối quan tâm
của Cairo trong việc trở thành khách hàng lớn cho nguồn năng lượng mới
này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, nước có thể được hưởng lợi từ nguồn năng
lượng của Israel, vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào kẻ thù cũ là nước Nga để
đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, trong khi đồng thời hợp tác với Nga
để phát triển các đường ống mới cung cấp năng lượng cho các nước EU.
Hoa Kỳ lo lắng trước cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và
Israel, hai trong số các đồng minh của mình, đang cố gắng đưa họ trở lại với
nhau. Hoa Kỳ muốn hai nước có mối quan hệ tốt đẹp hơn để củng cố vị trí
của NATO ở khu vực phía đông Địa Trung Hải. Đối với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ
là một quốc gia trọng yếu vì nước này kiểm soát lối ra vào biển Đen qua eo