vùng núi non Hindu Kush là chứng minh cho cái quy luật nói rằng
Afghanistan là “Mồ chôn của các đế chế”.
Việc thiếu một hải cảng nước ấm có lối ra trực tiếp với các đại dương
luôn là gót chân Achilles của nước Nga, nó hệ trọng về mặt chiến lược
không kém gì Đồng bằng Bắc Âu. Nga đang ở trong tình trạng bất lợi về
mặt địa lý, chỉ nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt nó mới thoát khỏi vị
thế một thế lực yếu ớt hơn nhiều. Không ngạc nhiên khi Peter Đại đế, theo
di chúc của ông năm 1725, khuyên các con “tiếp cận càng gần
Constantinople và Ấn Độ càng tốt. Bất cứ kẻ nào nắm quyền cai trị ở đó sẽ
là bá chủ thực sự của thế giới. Do đó, liên tục kích động chiến tranh, không
chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ở Ba Tư... Xâm nhập vịnh Ba Tư, tiến đến Ấn
Độ”.
Khi tan rã, Liên bang Xô viết phân chia thành mười lăm quốc gia. Địa
lý đã trả được mối hận với ý thức hệ Xô viết. Bản đồ Nga tái hiện một hình
ảnh hợp lý hơn, trong đó núi, sông, hồ và biển phác họa địa phận mỗi dân
tộc, cư trú riêng rẽ với nhau, và từ đó họ phát triển ngôn ngữ và phong tục
khác nhau như thế nào. Một ngoại lệ đối với quy tắc này là các quốc gia
“stan”, ví dụ Tajikistan, biên giới của các quốc gia này bị Stalin vẽ ra đầy
dụng ý, nhằm làm suy yếu họ bằng cách đảm bảo mỗi quốc gia đều có nhiều
người thiểu số đến từ các quốc gia khác.
Nếu bạn nhìn suốt một thời kỳ dài của lịch sử - mà hầu hết các nhà
ngoại giao và các nhà hoạch định quân sự đều làm như vậy - thì vẫn có đủ
mọi lá bài để chơi cho mỗi một quốc gia vốn trước đây cấu thành Liên bang
Xô viết, thêm vào vài thứ khác vốn trước đây thuộc Khối Hiệp ước quân sự
Warsaw. Họ có thể được chia thành ba nhóm: nhóm quốc gia trung lập,
nhóm thân phương Tây và nhóm thân Nga.
Các quốc gia trung lập - Uzbekistan, Azerbaijan và Turkmenistan – là
những nước có ít lý do để liên minh với Nga và phương Tây. Đó là vì cả ba