Đây là một sự căng sức quá lớn, không chỉ là việc đối chọi với Hoa Kỳ,
mà còn vơ vét các nguồn tài nguyên, ví dụ cao su, thứ mà Hoa Kỳ cũng cần
cho ngành công nghiệp của chính mình. Người khổng lồ của thế kỷ 20 đã
huy động cho cuộc chiến tổng lực. Thế rồi, chính địa lý của Nhật Bản đã
đóng một vai trò trong thảm họa lớn nhất của nước này - Hiroshima và
Nagasaki.
Hoa Kỳ đã chiến đấu mở đường băng qua Thái Bình Dương, từ đảo này
tới đảo kia, với cái giá rất lớn. Vào thời điểm họ chiếm Okinawa, nằm trong
chuỗi đảo Ryukyu giữa Đài Loan và Nhật Bản, họ phải đối mặt với một kẻ
địch vẫn còn đây cuồng tín, luôn chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ những ngả
đường tiếp cận và bảo vệ bốn hòn đảo chính khỏi cuộc xâm lược đổ bộ.
Những tổn thất nặng nề của Hoa Kỳ đã được dự đoán trước. Nếu địa hình dễ
dàng hơn, sự lựa chọn của người Mỹ có thể đã khác – họ có thể tiến quân
đến tận Tokyo – nhưng họ đã lựa chọn giải pháp hạt nhân, giáng xuống Nhật
Bản và lương tâm tập thể toàn thế giới, nỗi kinh hoàng của một thời đại mới.
Sau khi bụi phóng xạ đã lắng xuống trên một nước Nhật Bản đầu hàng
vô điều kiện, Hoa Kỳ đã giúp họ xây dựng lại, một phần là để làm hàng rào
ngăn cản Trung Quốc cộng sản. Nước Nhật Bản mới cho thấy sức sáng tạo
khi xưa của mình và trong vòng ba thập niên đã trở thành một cường quốc
kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tính hung hăng và chủ nghĩa quân phiệt trước
đây của nước này không biến mất hoàn toàn: chúng chỉ bị chôn vùi dưới
đống đổ nát của Hiroshima và Nagasaki và một tâm lý dân tộc tan nát. Hiến
pháp thời hậu chiến của Nhật Bản không cho phép nước này xây dựng quân
đội, không quân hay hải quân, chỉ có “Lực lượng Phòng vệ” mà trong nhiều
thập niên là một cái bóng nhạt nhòa của quân đội trước chiến tranh. Thỏa
thuận hậu chiến do Hoa Kỳ áp đặt đã giới hạn chỉ tiêu quốc phòng của Nhật
Bản xuống mức 1% tổng sản lượng quốc nội và để lại hàng chục ngàn binh
lính Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nhật Bản, ba mươi hai ngàn người trong số này
vẫn còn đang ở đó.