Các công ty tư nhân của cả hai quốc gia đã xây dựng những nhà máy ở
phía nam đường biên giới để giảm chi phí nhân công và vận tải, nhưng khu
vực này không thân thiện với sự tồn tại của con người và sẽ vẫn là vùng đệm
mà những người dân nghèo của Mỹ Latinh vẫn tiếp tục vượt qua để tìm cách
nhập cảnh, hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đến vùng Đất Hứa phương Bắc.
Các dãy núi chính của Mexico, Sierra Madres, thống trị phía tây và
đông của đất nước, và giữa chúng là một bình nguyên. Ở phía nam, trong
Thung lũng Mexico, là thủ đô Mexico City, một trong những đại đô thị lớn
nhất thế giới với dân số khoảng 20 triệu người.
Trên sườn phía tây của vùng cao nguyên và trong các thung lũng, đất
đai cằn cỗi, còn các con sông không mấy thuận tiện cho việc vận chuyển
hàng hóa ra thị trường. Trên sườn phía đông, đất đai màu mỡ hơn, nhưng địa
hình gồ ghề vẫn ngăn không cho Mexico phát triển được như mong muốn.
Phía nam là biên giới giáp với Belize và Guatemala. Mexico ít quan tâm đến
việc mở rộng về phía nam vì mặt đất nơi đây nhanh chóng dâng cao trở
thành loại địa hình đồi núi, rất khó để chinh phục hoặc kiểm soát. Việc mở
rộng vào cả hai khu vực đó sẽ không làm gia tăng diện tích đất sinh lợi vốn
dĩ hạn chế mà Mexico đang có. Nước này cũng không có tham vọng về lãnh
thổ mang tính ý thức hệ mà thay vào đó lại tập trung phát triển ngành công
nghiệp sản xuất dầu còn nhỏ bé và thu hút thêm đầu tư vào các nhà máy của
mình. Ngoài ra, Mexico đã có đủ các vấn đề nội bộ phải đối phó, không hơi
sức đâu dấn thân vào bất kỳ cuộc phiêu lưu bên ngoài nào – có lẽ nước này
không có vai trò gì lớn hơn là thỏa mãn cơn thèm khát ma túy của người
Mỹ.
Biên giới Mexico vẫn luôn là nơi ẩn náu cho những kẻ buôn lậu, nhưng
tình hình chưa bao giờ tệ như hai mươi năm qua. Đây là một kết quả trực
tiếp từ chính sách của chính phủ Hoa Kỳ tại Colombia, cách đó một ngàn
năm trăm dặm về phía nam.