Cũng giống như nhiều vĩ nhân khác thời xưa, sự chào đời của Khổng Tử
bao trùm trong một huyền thoại. Tục truyền rằng, người mẹ trẻ đẹp của ông
cầu Trời khẩn Phật xin được một mụn con trai, bà đã tổ chức biết bao nhiêu
cuộc phước thiện để mong nguyện vọng được thoả mãn, và một vị thần
hiện ra trong giấc mộng nói “Bà sẽ có một người con trai, một vị thánh và
bà phải hạ sinh hài nhi trong một cây dâu rỗng”. Nghe thế, bà mừng rỡ và
sắp xếp việc nằm chỗ trong một cái hầm tại đồi tên là “Cây dâu rỗng”.
Khi đứa bé chào đời, rồng vàng và nữ thần giữ cây xuất hiện, leo lên
canh giữ tại lối ra vào của căn hầm và nhã ra hương thơm ngào ngạt. Mẹ
ông nghe tiếng nhạc réo rắt, du dương và một giọng nói huyền hoặc
“Thượng giới vô cùng xúc động khi đứa con thần thánh của bà chào đời, và
gởi xuống đây những âm thanh huyền dịu chào mừng”. Trên mình hài nhi
có bốn mươi chín dấu với những chữ “Người sẽ khai sáng ra những nguyên
tắc và sẽ bình thiên hạ”. Phép lạ hiện ra và một dòng suối chảy róc rách
trong căn hầm, trong khi đó kỳ lân xuất hiện mang tấm bảng có khắc hàng
chữ “Con của thuỷ thần sẽ nối nghiệp cai trị thiên hạ và sẽ là một vị vua
không ngai”.
Điều rõ rệt hơn những huyền thoại ngụ ngôn này là Khổng Tử ngay lúc
thiếu thời đã có những dấu hiệu chứng tỏ một tài năng khác thường. Trước
khi Khổng Tử được ba tuổi thì cha ông lìa trần, gia đình lâm cảnh túng
quẫn. Cậu bé phải đi tìm kế sinh nhai, nhưng trong đầu vẫn để tâm học hỏi,
và người ta cho rằng ông quyết định trở thành bậc thánh hiền vào năm
mười lăm tuổi.
Ông lập gia đình năm mười chín tuổi, nhưng mặc dù vợ ông sinh cho
ông một trai hai gái, hôn nhân và đời sống gia đình dường như không ràng
buộc được một con người đang dần dần ý thức trở nên vĩ đại. Đó là một sự
hỗn hợp nhị nguyên, ông không những muốn trở thành học giả mà còn
muốn trở nên một thánh sư. Một thời gian ngắn sau hôn lễ, Khổng Tử nhận
làm quản lý cửa hàng, và sau đó, ông được giữ việc coi sóc công viên và
súc vật.