Nhưng Socrates không để ý đến cái chết, ông tin tưởng ở sự tồn tại của
linh hồn và ông tin ở phần đức hạnh. Tôn giáo của ông không phải là một
thứ lý thuyết thừa nhận các vị thần linh trong các huyền thoại như dân
Athens thường tôn thờ. Những nguyên tắc luân lý đạo đức của ông gần với
Thiên Chúa giáo hơn các tôn giáo khác, ông là một con người có vẻ thần bí
và ông lại rất thực tế. Người ta kể lại rằng, ông đã đứng suốt hai mươi bốn
giờ để đắm chìm trong suy tư. Và ông như đang nghe tiếng gọi của vị thần
linh của ông, một âm hưởng mơ hồ như đang bảo cho ông không được làm
điều gì. Điều dĩ nhiên là Socrates không thể tiếp tục diễn thuyết trước công
chúng và làm hài lòng tất cả mọi người được. Sự thật, sự phê bình thẳng
thắng của ông đã làm phiền lòng một số người. Aristophanes, hài kịch gia
vĩ đại, đã viết vở hài kịch The Clouds (vào năm 423 trước tây lịch) để châm
biếm Socrates, Socrates được xem như tiêu biểu cho một triết gia vừa là
một ông già điên điên khùng khùng và dạy cho những thanh niên những tư
tưởng gàn dở đáng khinh bỉ. Cái nhìn của hài kịch gia Aristophanes nhắm
vào Socrates có lẽ cũng được một số đông những người dân Athens hưởng
ứng, nhưng cũng không ngăn cản được một số người giàu có, nghèo có, các
môn đồ lúc nào cũng quây quần quanh Socrates. Vài người tìm đến ông để
thoả mãn chủ đích của họ là học hỏi thiên tài ông về khoa biện chứng pháp,
về khả năng biện luận và tranh luận của ông. Những người khác thì học ông
cách cải thiện đời sống. Họ kết hợp thành một đoàn thể hỗn tạp. Critias,
một trong ba nhà độc tài, Alcibiades, thông minh và dâm đảng, Crito, Plato,
Xenophone, Pericles, Celes triết gia ở Thebes và Euripides, kịch tác gia vĩ
đại, tất cả đều theo tinh thần của Socrates là chứng tỏ cho mọi người thấy
sự khoáng đạt và bền vững của linh hồn.
Socrates bắt đầu tự biện hộ cho chính mình “Hỡi mọi người ở Athens, tôi
không biết những lời buộc tội tôi đã có ảnh hưởng đến các bạn như thế nào,
vì riêng tôi, khi lắng nghe những người buộc tội tôi, tôi hầu như quên mất
tôi, những cuộc tranh luận của họ có vẻ hợp lý lắm, tuy nhiên, khi nói, họ
lại không bao giờ nói sự gì đúng cả”.