MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Phong trào kháng chiến chống Pháp đã đến với ta kèm theo một
phong trào khác : phong trào dùng danh từ mới bằng chữ nho. Nói « mới »
tức là nói rằng trước đấy các nhà văn nhà báo, các chính khách, sinh viên,
nghị sĩ… cũng đã có một thời kỳ đua nhau dùng chữ nho, kiểu Phạm
Quỳnh. Dùng như thế, có vẻ… nho nhã, và hàm xúc, tuy rằng có ích trong
sự dùng điển, và câu văn đó ít lời mà nhiều ý, nhưng đồng thời cũng tỏ ra
rằng người viết hay nói lười nhác, không muốn mất thời giờ tìm một chữ
Việt tương đương để cho đại chúng đều hiểu được.
Đến thời báo « Đông Tây » ra đời, một số nhà văn trẻ đả kích kịch liệt
những tác phẩm dùng nhiều danh từ chữ nho. Trong một thời gian khá dài,
văn viết đã thấy bớt danh từ chữ nho, nhưng đến lúc dân ta nổi lên chống
Pháp thì người ta lại thấy các danh từ mới bằng chữ nho xuất hiện nhiều
hơn cả bao giờ.
Đó là một nhu cầu, vì nói cho thực, lúc đó ta vẫn chưa đủ chữ để diễn
tả những ý nghĩ cần dùng về mặt chánh trị, kinh tế, xã hội v.v… nhưng
đồng thời ta cũng phải nhận rằng có nhiều cán bộ lúc ấy cũng lạm dụng
danh từ ; thay vì nói một cách bình thường, dễ hiểu, thường ưa « xổ » danh
từ mới ra, trước là để dọa nhân dân, sau là vì họ tưởng rằng có dùng các
danh từ mới ấy thì mới là cách mạng, mới là người thời cuộc.
Đã đành rằng trong các cán bộ dọa người bằng danh từ đó, cũng có
nhiều người dùng trúng, nhưng lúc cách mạng mới bùng lên thì đa số dùng
« trật lấc ». Vì thế ngày nào và ở đâu ta cũng thấy có những câu chế nhạo
cán bộ dùng sai danh từ, như mấy thí dụ dưới đây mà ông Lãng-Nhân đã
ghi trong cuốn « Chơi chữ » tái bản lần thứ ba :
Theo ông Lãng-Nhân, chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc, nhưng không phải
vì thế mà dễ viết, dễ nói. Là vì muốn nói hay viết cho rành rọt, cần phải có
một ít vốn chữ Hán là thứ chữ đã thâm nhập vào tiếng ta rồi.