dùng những danh từ mới thì mới tỏ ra là chính khách, là thông thái, là
người làm việc dân việc nước hạng… cừ !
Họ có biết đâu rằng chính ở nơi sản xuất ra những danh từ mới ấy,
sau một trận sốt rét danh từ, người ta đã quay về tìm những chữ nôm na,
đại chúng để diễn đạt tư tưởng và bỏ được những danh từ khó hiểu đi được
chừng nào càng hay chừng ấy. Một bài diễn văn hay, một lời tuyên ngôn
giỏi, có phải hay, giỏi vì mấy danh từ như « đề cao cảnh giác », « cao độ »,
« đặc thù », « tư liệu », « ý đồ » đâu, nhưng hay vì tư tưởng, vì kết cấu, vì
giản dị, vì có biện chứng, vì cảm hoá và đi sâu được vào lòng nhân dân.
Ấy là nói những danh từ trên dùng đúng nghĩa và đúng chỗ. Những
chính khách, lãnh tụ dùng lầm danh từ, hoặc dùng không đúng chỗ, không
những đã không đạt được ý muốn của mình mà lại còn làm cho người hiểu
biết nghe thấy mà phải tức cười và thương hại cho hồn chữ.
Chắc các bạn đọc còn nhớ mồ ma Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết
một hài văn nói về chữ kiện xuống tới Diêm Vương những nhà văn đã «
làm tình làm tội » chữ nghĩa, dùng lầm chữ, dùng sai chữ.
Câu chuyện ấy là hài văn nhưng thực ra cũng có một phần nào thực.
Cái phần thực đó là chữ nghĩa không phải là vật vô tri, nhưng mỗi chữ đều
có một đời sống, một cái hồn, thương lấy chữ tức là thương lấy mình,
thương lấy văn hóa nước mình, thương lấy chữ tức là tự trọng.
Đã là người, ai mà lại không lầm lẫn. Có người lầm lẫn về hành động,
có người lầm lẫn khi viết, có người lầm lẫn khi nói. Sự lầm lẫn ấy gần như
không tránh được, duy có một điều cần biết là phải tự giác, nhận lấy lầm
lẫn, học hỏi, để tránh những lầm lẫn, không để cho tái diễn.
Tôi không tán thành những người cố chấp, không chịu học hỏi, chủ
trương cái gì của địch thì không dùng mà chỉ có cái gì của ta mới hay, mới
đẹp. Nói riêng trong phạm vi nước ta, Bắc hay Nam cũng chỉ có một văn
hóa mà thôi, người Nam dùng chữ của Bắc hay người Bắc dùng chữ của
Nam không phải là cái dở hay cái tội.