Nếu chỉ đọc được mà không rõ nghĩa thì sẽ có những câu chuyện đàm
thoại như ông Đàm Trung Mộc đã kể trong báo « Bạn dân ».
« Trên xe điện. Bước lên xe điện, vợ tôi bị một bà níu lại, nói tíu tít :
« - Gớm, gió nào đạo dẫn cậu mợ đến đây ? Tiền bạc gà ăn không hết,
tội gì mà đi cái xe phức tạp này ? Mà cậu nên nghe chị, học vừa vừa chứ,
phải điều trị lấy sức khoẻ chứ. Còn mợ nữa, cấm có chịu quá vãng đến chơi
nhà chị. »
« Hai vợ chồng cãi nhau. Anh chồng mua một đùi chó về nhắm rượu,
say rồi gây với vợ. Vợ nhiếc là đồ đế quốc và hăm đi đề nghị với bí ban.
Chồng quát : Cái thứ đàn bà chưa ai vẫy đã le te đi ủng hộ như mày, ngủ
thì tích cực lắm, mà làm thì chẳng thấy có kiên quyết gì hết ; muốn đề nghị
để ông đi đề nghị cho một thể, ông trường kỳ với mày mà !… »
« Chuyện báo cáo trong ủy ban. Một chị nhỏ nhẹ nói với chị cán bộ :
« - Thưa đồng chí, chứ bữa nọ đồng chí có ủy nhiệm em mua nón, em
đã tham gia đa số các chợ, ráo riết truy tầm, mà thiệt tình không thấy đâu
còn oa trữ thứ nón đó, thành ra đến nay cuộc điều tra vẫn chưa kết quả, em
xin trân trọng báo cáo để đồng chí bế mạc cho… »
Ở ngay nơi sản xuất ra những danh từ mới mà người ta còn dùng lầm
một cách ngô nghê, thế thì cũng chẳng nên trách gì một số người khác bắt
chước sử dụng những danh từ đó đã dùng sai lạc một cách ngô nghê không
kém.
Điều đáng phàn nàn là có một số các nhà lãnh đạo, chánh trị gia,
nghị sĩ, dân biểu, văn nhân, ký giả và sinh viên, trí thức đáng lý có thể dùng
được những danh từ nôm na bình thường để diễn đạt tư tưởng, không chịu
làm như thế mà lại sính dùng danh từ mới để nói hay viết, vì thói quen tiêm
nhiễm cũng có, mà vì muốn tỏ ra vẻ mình thông thái, giỏi giang cũng có.
Nhất là một số chính khách thì lại càng sính dùng những danh từ mới
lắm. Sính như thế là vì họ nghĩ rằng làm văn hoá, làm chánh trị, hay làm
kinh tế… mà dùng những danh từ tầm thường thì dân chúng không sợ, phải