NGHỆ SĨ, NGHỆ NHÂN, NGHỆ SƯ, NGHỆ
THUẬT GIA
Có người tò mò dở tự điển Trung Hoa tìm chữ « nghệ sĩ » không thấy,
chỉ thấy « nghệ nhân », « nghệ sư », « nghệ thuật gia », lấy làm thắc mắc,
tự hỏi chữ « nghệ sĩ » ta dùng rất thường có lẽ sai chăng.
Đây là một chữ có lẽ dùng lâu ngày quen tai thành ra cứ được dùng
luôn, không cần phải có trong tự điển. Vả lại tự điển Trung Hoa được soạn
ra từ lâu đời rồi, làm sao chua được những chữ dùng theo nghĩa riêng của ta
và thời đại ta như chữ « sĩ » ? Nghệ sĩ, chúng ta hiểu là những người làm
nghề trí thức như văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, thuật sĩ, dược sĩ…
Có nghề không lấy trí thức làm tiêu chuẩn cũng dùng chữ sĩ : nghị sĩ ! !
Theo ông Lãng Nhân, danh từ « bác sĩ » trỏ những người thầy thuốc,
chỉ là một thứ ước hiệu, vì nghĩa chính của nó là kẻ sĩ học rộng. Vì thế ta
không nên lấy làm lạ có những chính khách không học thuốc bao giờ,
không đỗ bác sĩ bao giờ mà cứ được kêu là bác sĩ. Thí dụ lúc Pháp bắt đầu
đánh Việt Minh, có mấy tờ báo Pháp kêu ông Hồ là « Docteur Hồ Chí Minh
».
Mặt khác, chữ « sĩ » một khi đã dùng được trong danh từ « nha sĩ »,
rất có thể còn được dùng trong khoa mắt, dạ dầy và tai mũi họng và chúng
ta sẽ có những « mục sĩ », « tì vị sĩ », « nhĩ tị hầu sĩ »…
Còn như các bậc « nhân sĩ », có lẽ vì hiếm hoi quá nên cũng không có
trong tự điển. Hay là tại ta đã đổi hai chữ « thân sĩ » ra là « nhân sĩ » cho
hợp thời trang (và để tránh cho người ta đừng lầm thân sĩ là nhân sĩ thân
chánh quyền !)