PHỦ NHẬN, CÔNG NHẬN, XÁC NHẬN
Ít lâu nay, người ta dùng nhiều chữ phủ nhận, nhưng không phải vì thế
mà người ta dùng đúng nghĩa. Đến bây giờ vẫn còn một số người cho rằng
phủ nhận tức là nhận. Sự thực trái hẳn : phủ nhận tức là chối bỏ, không
thừa nhận ; có cái ý tương tự như thủ tiêu, bác bỏ. Thí dụ : « Kỷ cương của
xã hội phong kiến là thủ tiêu vai trò của cá nhân, phủ nhận tư cách độc lập
của cá nhân, thực chất là không đếm xỉa gì đến quyền lợi của quần chúng
để chỉ thừa nhận vai trò, quyền uy, lợi ích của kẻ cầm quyền, kẻ cầm đầu
mọi tổ chức, kẻ đứng đầu mọi quan hệ ».
Phủ nhận, nói một cách khác, có nghĩa trái hẳn với công nhận. Chữ
công đây có thể hiểu theo nghĩa công khai, hay công cộng tức là cùng nhận.
Vì thể có nhà nho cho rằng khi một người nói ra thì không thể dùng chữ «
công nhận » được. Thí dụ : tôi công nhận rằng truyện trào phúng khác với
truyện khôi hài : khôi hài chỉ nhắm vào mục đích giải trí, còn trào phúng là
những truyện vui cười có mục đích chủ yếu là phê phán. Nói như thế không
được. Phải nói là « tôi nhận… ». Chữ « công nhận » chỉ có thể dùng khi
nào có nhiều người nhận. Thí dụ : « Nhiều người công nhận rằng truyện vui
cười chĩa mũi nhọn vào những thói hư tật xấu của con người, bất luận thuộc
vào tầng lớp nào trong xã hội, chớ không phải chỉ nhằm vào bọn tư bản hay
tiểu tư sản ».
Chữ xác nhận có ý nhấn mạnh hơn, quả quyết hơn. Chữ xác nhận
dùng ở đây đồng nghĩa với chữ xác trong danh từ « xác định », « minh xác
». Thí dụ : « Tôi xác nhận rằng tôi lầm, và tôi rất hối hận về cử chỉ của tôi
». Danh từ « xác định » rộng hơn xác nhận và được dùng trong trường hợp
phải đưa ý kiến trong một vấn đề gì nhất định. Thí dụ :
« Xét ra trong cuốn Cổ tích nước Nam, ông Nguyễn Văn Ngọc không
xác định rõ tiêu chuẩn phân loại cho nên khi thì ông chú ý đến nội dung,
khi thì ông lại chú ý đến hình thức nhiều hơn ».