CÁ NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Cá nhân, theo nghĩa chính của nó, là một người nói riêng, đối với đoàn
thể và xã hội. Thí dụ : đảng ấy chỉ lưa thưa có mấy chục người, nhưng xét
cho kỹ thì có vài cá nhân xuất sắc có thể « làm trò » được.
Chủ nghĩa cá nhân là nhân sinh quan của những người chỉ biết chú
trọng đến quyền lợi riêng của mình, không cần lý đến quyền lợi của đoàn
thể, của xã hội. Hồi Pháp thuộc, thể theo chiều hướng tư tưởng của các lớp
thanh niên tư sản và tiểu tư sản – nhất là một số ông « tây an-nam » mới du
học Pháp về – đòi giải phóng tình cảm, đòi tự do luyến ái, lấy ái tình và tự
do bỏ vợ rồi lấy vợ khác làm hạnh phúc duy nhất, làm lý tưởng ở đời để
trốn tránh cuộc sống trước mắt đầy chông gai đau khổ dưới ách thực dân
phong kiến ; thể theo tư tưởng bi quan, tiêu cực phát sinh trong các tầng lớp
đó dao động, hoang mang sau các cuộc khủng bố, thực dân lại không hề
ngăn cấm mà ra mặt khuyến khích, cổ võ các nhà văn thời đó đi vào những
tâm trạng xã hội yếu hèn ấy, gây thành một chủ nghĩa cá nhân, đòi giải
phóng cá nhân, thực chất là đòi tự do ăn chơi, trụy lạc, để hủy hoại ý chí
đấu tranh của thanh niên, đưa dần đến con đường làm tay sai chúng nó.
Mặt khác, cá biệt có nghĩa là riêng lẻ, ít có. Thí dụ : trường hợp cá
biệt.