vòng trở lại qua những chướng ngại vật này, ở nơi ấy, những con
cá to thường sống dưới đám bọt nước. Khi sông trôi êm trở lại,
cát và những hòn đá nhỏ nó mang theo từ những thác ghềnh ở
phía trên bắt đầu tỏa ra và lắng xuống đáy, dòng nước trở nên
nông và lặng. Sau khi đã lắng đọng xong, nó bắt đầu chảy tiếp.
Vào một buổi trưa nóng bức, trí óc cũng có thể tạo ra những con
cá và sắp đặt chúng theo cách nó đã tạo ra dòng sông. Nó sẽ để
cho lũ cá sống hầu hết cuộc đời ở “vực xanh lớn” tại ngay ngã rẽ,
nơi chúng có thể được những tảng đá lớn bảo vệ và nhàn nhã
chờ thức ăn được những con nước lớn cuốn tới. Từ đó, chúng có
thể vượt thác ở phía trên khi chúng thật sự đói hay vào tháng
Chín và trời mát, nhưng cuộc sống ở vùng nước xiết đó bao giờ
cũng khắc nghiệt. Trí óc vốn sắp đặt mọi thứ cũng có thể dẫn lối
cho lũ cá bơi vào dòng nước êm khi chiều xuống, khi đám muỗi
mắt và bướm đêm túa ra. Ở đây, người câu cá cần được khuyên
nên dùng những con mồi nổi nhỏ và bôi sáp để chúng nổi trên
mặt nước. Anh ta cũng cần được thông tin rằng trong con nước
buổi chiều, mọi thứ phải hoàn hảo, bởi vì trong ánh hoàng hôn,
lũ cá có thể nhìn thấy mọi thứ, vì thế ngay cả việc con mồi giả có
quá nhiều lông ở đuôi cũng có thể làm cho lũ cá cảnh giác. Trí óc
có thể sắp đặt tất cả những thứ này, nhưng lũ cá không phải bao
giờ cũng tuân theo sự sắp đặt.
Những người câu cá cũng nghĩ rằng dòng sông đã được tạo ra
với hình ảnh của họ ở trong tâm hồn nó, và họ nói về nó như thể
họ là dòng sông. Họ nói về ba phần của quãng sông như một thể
thống nhất và gọi nó là “vũng”, thác ghềnh là “đầu vũng”, khúc
quanh lớn là “vực xanh” hay “hồ” và dòng nước nông, tĩnh lặng
bên dưới là “đuôi vũng” - họ nghĩ nơi này nông và lặng nên có
thể lội qua và “thử câu ở bờ bên kia”.