NƠI DÒNG SÔNG CHẢY QUA - Trang 125

Cha tôi lắc đầu khi nghe tôi giải thích, lý lẽ đó không phù hợp.
Ông lẩm bẩm với chính mình và với tôi: “Thật là khủng khiếp
khi viết họ với chữ L hoa. Giờ đây, ai đó sẽ nghĩ rằng chúng ta là
người Scotland đồng bằng chứ không phải dân đảo”.

Cha bước ra cửa, nhìn ra ngoài, và khi trở vào, ông không hỏi tôi
câu nào nữa. Ông cố nói với tôi. Ông dùng những lời lẽ trừu
tượng, nhưng ông đã bỏ ra cả đời người để làm cho người nghe
quen với những ý niệm trừu tượng của ông, vì thế họ sẽ không
gặp khó khăn gì khi liên kết những khái niệm trừu tượng đó với
những điều cụ thể trong cuộc đời họ.

“Con còn quá trẻ để giúp bất kỳ ai, còn cha thì lại quá già” - Ông
nói - “Giúp đỡ ở đây không có nghĩa là phép lịch sự như đãi món
thạch anh đào dại hay giúp tiền”.

“Giúp đỡ là trao một phần của chính mình cho người sẵn lòng
đón nhận và thật sự cần sự giúp đỡ đó”.

“Vì thế” - Ông chuyển sang lối thuyết pháp cổ - “Chúng ta ít khi
có thể giúp được ai. Hoặc là chúng ta không biết cần trao phần
nào hoặc có thể chúng ta không thích trao bất cứ phần nào của
mình. Lúc đó thì thông thường là phần người ta cần thì ta lại
không muốn trao. Và thậm chí còn phổ biến hơn là chúng ta
không có phần người ta cần. Điều đó cũng giống như một cửa
hàng bán phụ tùng xe hơi ở thị trấn luôn nói: ‘Rất tiếc, chúng tôi
vừa bán hết loại phụ tùng đó”.

Tôi nói với ông: “Cha trầm trọng hóa vấn đề quá. Giúp đỡ đâu
cần phải lớn lao đến vậy”.

Cha hỏi tôi: “Con có nghĩ rằng mẹ con giúp nó bằng cách phết bơ
vào bánh mì của nó không?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.