đen trũi phóng đi như tên bắn, và có lẽ lúc đó, anh ta cũng nên
bắt đầu đi tìm cái vũng mới. Sau đó, ở cao tít trên đầu, ở vị trí
quăng câu về phía trước (góc mười giờ), người câu cá lại nhả dây.
Tất nhiên, nhịp đếm đến bốn có công dụng của nó. Nhịp một
kéo dây câu, đoạn cước nối và mồi lên khỏi mặt nước; nhịp hai
phất chúng gần như thẳng đứng lên trời; nhịp ba, theo cách nói
của cha tôi là tại đỉnh, đoạn cước nối và mồi phải có một tích tắc
nghỉ để rơi lại phía sau dây câu khi nó bắt đầu hướng về phía
trước; nhịp bốn là lấy đà và thu dây vào cần cho đến khi đến vị
trí mười giờ thì thả dây, để cho mồi câu và cước nối đi ra phía
trước dây câu, rồi thả cho chúng đáp xuống nhẹ nhàng và hoàn
hảo. Người ta quăng câu được xa không phải do dùng sức, mà là
do biết được khi nào thì ra lực. Cha tôi vẫn luôn nói: “Hãy nhớ đó
là một thứ nghệ thuật được biểu diễn theo nhịp đếm đến bốn,
giữa vị trí mười giờ và hai giờ”.
Cha tôi rất chắc chắn về một số vấn đề thuộc về vũ trụ. Đối với
ông, tất cả những điều tốt đẹp - cả cá hồi lẫn sự cứu rỗi vĩnh
hằng - đều là do ơn phước, còn ơn phước thì đến qua nghệ thuật,
và để có nghệ thuật thì không dễ chút nào.
Vì thế, tôi và em tôi đã học quăng câu theo kiểu Trưởng lão,
bằng chiếc máy giữ nhịp của mẹ tôi. Nó từng được đặt trên một
chiếc đàn dương cầm ở dưới phố khi cha tôi mua nó. Thỉnh
thoảng mẹ tôi lại đứng ở đầu hồi ngó xuống bến tàu, lo lắng tự
hỏi không biết chiếc máy có nổi được không nếu nó rơi xuống
nước. Trong lúc mẹ tôi quá lo lắng đến nỗi bà chạy thình thịch
ra bến tàu để đòi lại nó thì cha tôi vỗ tay theo nhịp bốn với hai
bàn tay khum.
Cuối cùng, ông cho chúng tôi làm quen với tài liệu về đề tài này.
Ông luôn luôn cố gắng nói điều gì đó thật kiểu cách khi gài nút
chiếc găng trên bàn tay quăng câu. Ông bảo với chúng tôi, khi