chăm sóc như thế, chúng ta bừng nở. Dù cho có thể có sự khác biệt
giữa hình thức tình ái và hình thức địa vị, địa vị không có chiều kích
nhục cảm, không thể có kết cuộc hôn nhân, và những ai trao nó
thường mang những động cơ thứ cấp, nhưng những người được ban
cho địa vị, giống hệt như những người có tình yêu, đều sẽ tận hưởng
sự bảo vệ dưới ánh nhìn độ lượng của những người cảm kích họ.
Những người có vị trí quan trọng trong xã hội thường được dán
nhãn “ông nọ bà kia”, và đối cực với họ là “vô danh tiểu tốt” - cả hai,
dĩ nhiên, đều là những đặc tả vô nghĩa, bởi lẽ tất cả chúng ta, không
thể tránh được, đều là các cá nhân với những bản sắc riêng và những
đòi hỏi có thể so sánh được về sự tồn tại. Tuy nhiên, những cái nhãn
ấy là phương tiện thích hợp để truyền tải cách đối xử khác nhau tùy
theo những nhóm khác nhau. Những người không có địa vị hết thảy
đều vô hình: người ta đối xử thô lỗ với họ, chà đạp lên những rắc rối
của họ, và phớt lờ những nét riêng biệt của họ.
Mặc dù không thể tránh khỏi những phân biệt về mặt kinh tế,
không nên đánh giá tác động của địa vị thấp chỉ từ khía cạnh vật chất.
Hình phạt trầm trọng nhất hiếm khi nằm ở, ít nhất là bên trên những
tầm mức sinh kế, sự bất tiện thể chất đơn thuần; thường thì, thậm chí
chủ yếu, nó nằm ở sự thách thức của địa vị thấp với lòng tự trọng của
người đó. Miễn là không đi kèm với sự sỉ nhục, người ta có thể chịu
được nỗi bất tiện trong những khoảng thời gian dài mà không phàn
nàn. Để minh chứng cho điều này, ta chỉ cần nhìn vào ví dụ của nhiều
người lính và nhà thám hiểm, qua nhiều thế kỷ, sẵn sàng chịu đựng
cảnh thiếu thốn vượt xa so với các thành viên nghèo khó nhất trong xã
hội của họ, miễn là họ có thể trụ được qua tình cảnh khó khăn bằng
việc nhận thức được niềm kính trọng mà những người khác dành cho
mình.
Tương tự, những ích lợi của địa vị cao hiếm khi giới hạn trong
của cải. Chúng ta chẳng nên ngạc nhiên khi thấy nhiều người tuy giàu