3.
Hội họa cũng có thể thách thức cách hiểu thông thường của xã hội về
việc ai đó hay cái gì là quan trọng.
Jean-Baptiste Chardin vẽ bức Meal for a Convalescent (Bữa ăn
cho một người dưỡng bệnh) vào khoảng năm 1738. Một phụ nữ ăn
bận khiêm tốn đứng trong một căn phòng đồ đạc sơ sài, bóc vỏ quả
trứng cho một người bệnh mà ta không thể thấy. Đó là một khoảnh
khắc bình thường trong cuộc đời của một người bình thường. Tại sao
lại vẽ việc ấy? Trong suốt phần lớn sự nghiệp của Chardin, các nhà
phê bình không ngừng đặt ra câu hỏi này. Họ thấy khó chịu về việc
nghệ sĩ tài năng này dành tất cả sự chú tâm vào những lát bánh mì,
những chiếc đĩa vỡ, con dao và cái dĩa, trái táo và quả lê, các nhân vật
tầng lớp lao động và trung-hạ lưu làm công việc của họ trong những
nhà bếp và phòng khách tầm thường.
Đó chắc chắn không phải những loại chủ đề dành cho một nghệ sĩ
lớn, theo như các tiêu chuẩn được Viện Mỹ thuật Pháp nêu ra. Khi
viện này được Louis XIV thành lập năm 1648, các viên chức của nó
đã xếp hạng các thể loại tranh khác nhau theo một hệ thứ bậc về tầm
quan trọng. Đứng đầu là tranh lịch sử, với những bức sơn dầu thể hiện
tính thanh cao của Hy Lạp và La Mã cổ đại hay minh họa các chuyện
luân lý trong Kinh Thánh. Thứ hai là tranh chân dung, nhất là chân
dung vua và hoàng hậu. Thứ ba là tranh phong cảnh, và xa tít phía
dưới mới là thứ được gọi tên một cách tùy tiện là “tranh loại hình”, mô
tả những khung cảnh của đời sống gia đình bình dân. Hệ thứ bậc nghệ
thuật này tương ứng trực tiếp với hệ thứ bậc xã hội ở thế giới bên
ngoài phòng tranh của nghệ sĩ, nơi một vị vua ngồi trên ngựa quan sát
điền trang của mình lẽ tự nhiên sẽ được ưu tiên hơn hẳn so với một
phụ nữ ăn mặc khiêm tốn đang bóc một quả trứng.