Song, bên trong nghệ thuật của Chardin ẩn chứa sự lật đổ bất cứ
cái nhìn nào của cuộc đời dám coi việc nội trợ của một phụ nữ hay
thậm chí việc một mảnh gốm cũ kỹ đang bắt lấy ánh nắng chiều là vô
giá trị (“Chardin đã dạy chúng ta rằng một quả lê cũng có thể tràn đầy
sức sống như một phụ nữ, một cái bình cũng đẹp đẽ như một viên đá
quý,” Marcel Proust nhận xét).
Lịch sử hội họa mang đến cho Chardin một nhóm nhỏ những
nghệ sĩ có tâm hồn đồng điệu, và cho chúng ta một nhóm những cải
chính lớn lao cho ý niệm thông thường của ta về tầm quan trọng. Với
những mục đích ấy, một ví dụ nổi bật hơn là họa sĩ xứ Wales Thomas
Jones, người làm việc ở Ý, đầu tiên là ở Rome sau đó là ở Naples, từ
năm 1776 đến 1783. Chính tại Naples vào đầu tháng Tư năm 1782,
Jones đã hoàn thành hai trong số những bức sơn dầu trên giấy tinh tế
nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật phương Tây, Rooftops, Naples
(Những căn phòng áp mái, Naples) (treo ở Bảo tàng Ashmolean,
Oxford) và Buildings in Naples (Những tòa nhà ở Naples) (ở Bảo tàng
Quốc gia Wales, Cardiff).
Những khung cảnh trong tranh của Jones vẫn là một hình ảnh
quen thuộc ở nhiều thành phố và thị trấn Địa Trung Hải, nơi những
căn nhà nằm kề sát nhau dọc theo các con phố hẹp và nằm khép nép
vào bên hông trơ trụi của những tòa nhà xung quanh. Vào một buổi
chiều ấm áp, những con phố thường yên tĩnh và các cửa sổ hé mở.
Người ta có thể bắt gặp hình dáng của một phụ nữ đang di chuyển bên
trong phòng khách nhỏ hay cơ thể mờ tối của một người đàn ông ngủ
trên giường. Thỉnh thoảng ta nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ hay
tiếng sột soạt của một bà lão khi bà treo quần áo trên ban công với lan
can hoen gỉ.
Jones cho ta thấy ánh sáng gay gắt của miền Nam đổ lên những
bức tường vữa sứt mẻ và phong hóa, bày ra mọi vết lồi lõm và rạn nứt,
bề mặt tường được sơn gợi lên cảm tưởng ảnh hưởng của dòng chảy
của thời gian như những bàn tay thô kệch, chai sạn của một người